Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Huyện Hồng Dân: Đổi thay rõ nét từ các nghị quyết chuyên đề
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề. Sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện các nghị quyết chuyên đề, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hồng Dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục đưa địa phương phát triển khá toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (thứ hai, từ phải qua) kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP AN TOÀN, BỀN VỮNG
Anh Lê Hoàng Phi - một nông dân huyện Hồng Dân mở Google maps và video lưu trong điện thoại cho chúng tôi xem khu vực trồng lúa rộng hơn 4ha liền nhau và việc sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cho lúa của gia đình anh. Với diện tích canh tác “cò bay thẳng cánh” đó, nhưng gia đình anh chỉ cần vài người lao động, bởi hầu hết các khâu trong trồng trọt đều được gia đình anh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Thay đổi tư duy, chịu khó học tập, mạnh dạn đầu tư là những bước chuyển tích cực của nông hộ này, thúc đẩy việc sản xuất lúa của gia đình theo hướng hiện đại, giải phóng sức lao động, tăng năng suất trên cùng một cánh đồng.
Đây là trường hợp điển hình sau thời gian đưa Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân (khóa XIII) về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 vào cuộc sống. Hồng Dân là huyện thuần nông, có gần 20.000 hộ (chiếm 72% tổng số hộ toàn huyện) làm nông nghiệp. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông” của Trung ương và 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 năm 2016 của huyện về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, ngành Nông nghiệp địa phương đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, sản xuất nông nghiệp có bước chuyển tích cực, từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.
Kế thừa kết quả đó, nông dân huyện Hồng Dân hôm nay quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, dần tiến tới sản xuất sạch, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học. Bà con tham dự đầy đủ các hội thảo, lớp tập huấn, theo dõi chặt lịch thời vụ, lịch điều tiết nước… Đồng thời, không ít nông dân bỏ số tiền lớn ra để mua sắm máy rải phân, xịt thuốc, máy gặt đập liên hợp… và mạnh dạn đề xuất chính quyền lập tổ bơm tát, xây dựng cánh đồng lớn. Ông Võ Minh Huy - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết Nghị quyết 04 đã dần hình thành liên kết sản xuất (đến nay đã lập 5 tổ hợp tác, hợp tác xã), nông dân đã quen kỹ thuật sản xuất giống lúa chất lượng cao trên ao tôm (diện tích lúa trên đất tôm đã tăng thêm 3.000ha, lên 24.000ha) và cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt khoảng 98%.
Tuyến đường từ cống Âu thuyền Ninh Quới đến thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) vừa được đưa vào khai thác, phục vụ dân sinh. Ảnh: N.Q
KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ
Nghị quyết 03 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 thì hướng đến nâng cao tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Theo ông Trần Văn Sót - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hồng Dân, từ năm 2020 đến nay, địa phương được đầu tư 112 công trình để xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng đô thị, phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại và hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Riêng năm 2022, huyện dồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, có thể kể đến công trình nâng cấp đường Phước Long - Ba Đình, Quốc lộ 63, đường Cầu Sập - Ngan Dừa…
Huyện ủy Hồng Dân cho biết đã và đang quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hạ tầng giao thông đồng bộ, có sự gắn kết với các đường tỉnh, huyện, đường trục xã, liên xã, đường trục ấp, liên ấp, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt từ tỉnh đến huyện và các tỉnh, huyện bạn giáp ranh. Đặc biệt là “giải bài toán” đường giao thông cho ô tô tải về đến trung tâm xã. Để làm được điều này, Hồng Dân huy động mạnh mẽ các nguồn lực của xã hội, đồng thời tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng.
Song song đó, huyện cũng phát triển đồng bộ giữa xây dựng NTM với xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Địa phương sẽ xây dựng thị trấn Ngan Dừa xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện; xã Vĩnh Lộc A đạt tiêu chí đô thị loại V, xã Ninh Quới A đạt tiêu chí đô thị loại V và trở thành thị trấn vào năm 2030.
Sau khi ban hành các nghị quyết chuyên đề, huyện Hồng Dân thực hiện hàng loạt công việc để sớm biến mục tiêu của nghị quyết thành hiện thực. Trong đó, công tác quán triệt, tuyên truyền “lãnh ấn tiên phong” thực hiện trong 26/26 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy và lồng ghép tuyên truyền 665 cuộc cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Mặt khác, các tổ chức đảng trực thuộc Huyện ủy cũng đã xây dựng 47 chương trình hành động và 27 kế hoạch thực hiện 5 nghị quyết nêu trên. Đây là những tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân huyện Hồng Dân đạt được những kết quả bước đầu quan trọng sau hơn 2 năm thực hiện các nghị quyết chuyên đề.
NGUYỄN QUỐC
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ