Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Nhiều nơi chỉ thực hiện hình thức
Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (gọi tắt là QCDC) cấp tỉnh vừa hoàn thành đợt kiểm tra việc thực hiện QCDC ở các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hành chính, xã, phường… Chọn mỗi loại hình một đơn vị để kiểm tra, đoàn kiểm tra đã có cái nhìn cơ bản, thực tế về công tác triển khai thực hiện QCDC ở mỗi nơi, qua đó cho thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm để việc thực hiện này có hiệu quả hơn…
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) phát huy việc vận động nhân dân đóng góp và giám sát các công trình giao thông nông thôn. Trong ảnh: Làm lộ giao thông nông thôn. Ảnh: M.Đ |
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCDC. Với vai trò lãnh đạo, cấp ủy các cấp đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) ở từng cấp phối hợp cùng chính quyền triển khai nội dung các văn bản chỉ đạo về thực hiện QCDC, tổ chức hội nghị công nhân viên chức đầu năm để ký kết thỏa ước lao động, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia đóng góp các nội dung liên quan đến quyền lợi của mình… Gắn với việc triển khai thực hiện QCDC, phương thức hoạt động và lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa. Không khí dân chủ được khơi dậy, từ đó đã phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động, tạo động lực mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị.
Thực hiện yếu
Triển khai tốt nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện, nhiều nơi đã bộc lộ không ít nhược điểm cũng như sự lúng túng với những yêu cầu của QCDC. “Triển khai văn bản khá tốt nhưng nhiều nơi lại chỉ thực hiện QCDC trên hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Nhất là loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, các vấn đề cần được chủ doanh nghiệp công khai với người lao động hoặc quyền được bàn bạc, kiểm tra, giám sát của người lao động, việc thành lập tổ chức công đoàn... chưa được thực hiện tốt” - đồng chí Lưu Văn Liêm, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thành viên BCĐ thực hiện QCDC của tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra nhận xét. Trong khi đó, ở các đơn vị hành chính, các cơ quan Nhà nước thì điểm yếu lại nằm ở việc chậm sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về những việc làm được, chưa được xung quanh thực hiện QCDC. Có nơi đã thành lập được BCĐ nhưng lại chưa có quy chế làm việc của BCĐ hoặc chưa có quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể. Do thiếu sự phối hợp cũng như quy chế làm việc mà hiệu quả hoạt động của các BCĐ, đặc biệt là ở cơ sở và các doanh nghiệp chưa đạt theo yêu cầu đề ra.
Vấn đề được đoàn kiểm tra lưu ý khi đến làm việc với các đơn vị ở cơ sở là vai trò cũng như hoạt động thực tiễn của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ). Có nơi không thành lập được Ban thanh tra nhân dân, có nơi dù được thành lập nhưng “có cũng như không”. Đặc biệt, Ban GSĐTCĐ, vốn được xem như tai mắt của nhân dân trong việc giám sát chất lượng thi công các công trình xây dựng cơ bản, ở nhiều nơi lại hoạt động không hiệu quả. Trong đó có không ít vụ việc, khi người dân đã phát hiện các tiêu cực, sai sót trong thi công công trình thì lúc đó, Ban GSĐTCĐ mới hay.
Thực hiện tốt QCDC là một điều kiện quan trọng để đảm bảo cho dân chủ được thực thi một cách có hiệu quả. Qua những gì mà đoàn kiểm tra của BCĐ cấp tỉnh về thực hiện QCDC nắm bắt và đánh giá trong thực tế, rõ ràng còn nhiều vấn đề cần được BCĐ các cấp lưu tâm khi chỉ đạo thực hiện để dân chủ được thực thi đúng thực chất, đảm bảo được quyền làm chủ của nhân dân.
Thanh Lâm
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững