Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: Đổi mới để cùng xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh
Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (gọi tắt là Mặt trận và các đoàn thể) là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Đó cũng là mục tiêu mà Nghị quyết (NQ) 08 về “Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh” vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) ban hành.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 từ Lời kêu gọi, phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: H.U
Nền tảng sẵn có
Những năm qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể với những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đơn cử như trong năm 2021 vừa qua, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tổ chức thực hiện hiệu quả rất nhiều phong trào, hoạt động cũng như nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tiêu biểu là công tác nắm bắt tình hình cũng như tập hợp, phản ánh ý kiến của Nhân dân đến cấp ủy, chính quyền, nhất là trong dịp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hay vừa vận động quyên góp, vừa tuyên truyền, tặng quà cho các tổ chức, cá nhân, một số cơ sở thờ tự, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn nhân các dịp lễ tết với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vẫn luôn chú trọng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động Quỹ “An sinh xã hội - Vì người nghèo” được trên 76, 8 tỷ đồng; vận động và hỗ trợ trao tặng 72 căn nhà tình thương… Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trong năm vừa qua, Mặt trận và các đoàn thể đã trở thành cầu nối vững chắc, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc vì mục tiêu sớm đẩy lùi đại dịch. Cụ thể, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương, của tỉnh, Mặt trận các cấp, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền, hiện vật cho Quỹ Phòng, chống dịch của tỉnh trên 90 tỷ đồng. Nguồn lực này đã góp phần rất lớn giúp Bạc Liêu triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: tầm soát cộng đồng, điều trị F0, hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ hàng chục ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Giải pháp cho sự đổi mới hiệu quả
Mặc dù có không ít những thành quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng thực tế cho thấy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Mặt trận và các đoàn thể vẫn còn có những hạn chế cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị của một số xã, phường, thị trấn, trên một số lĩnh vực, nhiệm vụ còn thụ động, mang tính hình thức. Một số nội dung trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiệu quả còn thấp; công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia giải quyết những mâu thuẫn, phức tạp có việc còn hạn chế. Hay sự phối hợp với chính quyền tại một số nơi, ở một số việc chưa thường xuyên, hiệu quả đạt được chưa cao; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của một vài đoàn thể địa phương đạt thấp…
Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được, NQ 08 của Tỉnh ủy đã đưa rất nhiều giải pháp quyết liệt. Cụ thể là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đối với Mặt trận và các đoàn thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với việc xây dựng chỉ tiêu cụ thể: hàng năm, ở từng cấp có ít nhất một nội dung giám sát, phản biện xã hội; 2 nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cần duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, mỗi đoàn thể có ít nhất 2 phong trào hoặc cuộc vận động, 4 mô hình hoạt động có hiệu quả và được nhân rộng trong tỉnh.
Đồng thời, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo: Bên cạnh việc Mặt trận các cấp chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở thì các cấp chính quyền cần tăng cường phối hợp, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận các cấp thực hiện công tác góp ý, giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nắm bắt tình hình Nhân dân, tham gia giải quyết những phát sinh, nổi cộm. Đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, phát huy khả năng sáng tạo của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; động viên đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương…
Hoàng Uyên
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ