Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nâng cao vị thế của đại biểu Quốc hội

Thứ Sáu, 12/09/2014 | 19:01

Việc quy định cụ thể về vị trí, vai trò cũng như những yêu cầu về trách nhiệm đối với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sẽ giúp tạo hành lang pháp lý phù hợp để ĐBQH đóng góp tốt hơn vào thành công chung của Quốc hội (QH).

Quang cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: T.L

Tránh hành chính hóa

Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách diễn ra trong tuần, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBQH phải có tư duy phản biện, chính kiến độc lập. Điều kiện đó cần được cụ thể hóa, quy định trong dự thảo Luật này trình ra QH tại kỳ họp tới đây. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình về số lượng ĐBQH chuyên trách hơn 35% như dự thảo Luật nêu, nhưng vấn đề quan trọng hơn nữa là làm sao nâng cao chất lượng ĐBQH.

Liên quan nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH - Lê Thị Nga đề nghị, cần bàn kỹ việc chọn đại biểu đủ năng lực, vì ĐBQH là trung tâm của QH. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM), hiện nay, quy định tiêu chuẩn ĐBQH giống một công chức hành chính. Đại biểu yêu cầu dự thảo luật sửa đổi lần này cần làm rõ những tiêu chuẩn của đại biểu, trong đó lưu ý cá nhân “là người rất tận tụy, gắn bó với cử tri, phải thật sự có tư duy phản biện độc lập, tránh bị tác động bên ngoài làm mất tính khách quan trong nghiên cứu pháp luật, tránh lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện giám sát”...

Các đại biểu: Võ Thị Hồng Thoại (tỉnh Bạc Liêu), Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) và một số đại biểu khác cho rằng, cần quy định ĐBQH chuyên trách dành ít nhất 1/3 thời gian làm công tác tiếp dân và tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Như thế, giúp ĐBQH gần dân hơn, tránh tình trạng “hành chính hóa” trong hoạt động QH.

Cần các cơ chế hỗ trợ

Theo tính toán của các chuyên gia, tính trung bình mỗi năm, một ĐBQH phải tìm hiểu, nghiên cứu khoảng 25 - 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, và rất nhiều báo cáo, đề án khác để đóng góp ý kiến trước khi thông qua tại hội trường. Như vậy, khối lượng thông tin mà đại biểu phải nghiên cứu, xử lý là rất lớn, nhất là trong điều kiện phần lớn các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay. Do vậy, nhiều ĐBQH cho rằng, cần có các kênh giữ vai trò “bộ lọc”, qua đó giúp đại biểu tìm kiếm thông tin chính xác, khách quan, kịp thời. Những thông tin đã được chọn lọc, phân tích, tổng hợp và có chất lượng cao sẽ giúp rút ngắn thời gian thu thập và xử lý thông tin phù hợp nhu cầu của từng đại biểu.

Nhiều người cho rằng, thời gian tới, cần xem xét tiếp tục điều chỉnh chính sách về công tác phí, lương, phụ cấp thỏa đáng, điều kiện sinh hoạt, làm việc... Như vậy sẽ thu hút đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức giỏi từ các bộ, ngành, địa phương về làm ĐBQH chuyên trách. Đây là yếu tố căn bản giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng ĐBQH và chất lượng những văn bản pháp luật QH sẽ ban hành về lâu dài.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, chất lượng hoạt động của ĐBQH chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, một phần do số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm là chủ yếu. Như thế, đại biểu khó dành nhiều thời gian tham gia hoạt động của các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH. Yêu cầu đối với công tác lập pháp của QH ngày càng đòi hỏi cao, điều đó có nghĩa số lượng các dự án cần được xem xét thông qua tại mỗi kỳ họp QH là rất lớn. Thực tiễn cho thấy, với nhiều dự án luật có tính chuyên ngành cao, phần lớn các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm khiến công việc tại các ủy ban trở nên quá tải.

Đề cập nội dung này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu khác đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách cần đạt mức 40% trong tổng số đại biểu, và nên tập trung ở các cơ quan lập pháp.

C.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.