Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết 11/NQ-CP: “Cú hích” quan trọng vực dậy nền kinh tế

Thứ Hai, 21/02/2022 | 17:16

Có thể nói, những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra đã tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đồng thời triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (sau đây gọi là Nghị quyết 11). Đây được xác định là “cú hích” quan trọng vực dậy nền kinh tế, nhất là trong điều kiện phải “mở cửa” lại nền kinh tế trên tinh thần chủ động thích ứng và phát triển bền vững.

GIẢM THUẾ SUẤT

Để phục hồi và phát triển KT-XH, nhất là phát triển kinh tế, Nghị quyết 11 đã ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp với nhiều đối tượng được hỗ trợ bao gồm: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu tập trung trong 2 năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Việc giảm thuế sẽ giúp cho doanh nghiệp bớt khó khăn và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: K.T

Một trong những giải pháp quan trọng trong việc “mở cửa” nền kinh tế, ngoài nhiệm vụ chính là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở…, Chính phủ sẽ hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đây được coi là giải pháp rất quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến phát triển KT-XH của Bạc Liêu, đặc biệt là chiếm trên 90% doanh nghiệp, hộ kinh doanh của tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cùng với đó là giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm phải ngừng sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ LÃI SUẤT

Một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất - kinh doanh rất phấn khởi chính là “đồng vốn” phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh sẽ được tăng cường cho nền kinh tế và giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn từ việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Mức ưu đãi này được áp dụng cho các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thực tiễn đã chứng minh, chính sách hỗ trợ này đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và có điều kiện phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể năm 2021, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 144 tỷ. Tổng số tiền lãi do các ngân hàng thương mại đã miễn, giảm lãi trên 9,6 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số đạt trên 26.610 tỷ đồng, tiêu biểu như các ngân hàng: Agribank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Eximbank…

Giao dịch vay vốn tại Ngân hàng EXIMBANK - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Cùng với các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Nghị quyết 11/NQ-CP còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khác như: Tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân; Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025…

Phải khẳng định rằng, sự ra đời của Nghị quyết 11 đã tạo lòng tin, sự phấn khởi trong cộng đồng các doanh nghiệp, người lao động. Chắc chắn,  Nghị quyết 11 sẽ tạo nên những động lực to lớn cho phát triển KT-XH và hình thành nên những “đường băng” mới cho KT-XH cất cánh, hóa giải các thách thức, khó khăn, trở thành cơ hội cho một nền kinh kế thích ứng linh hoạt và không ngừng tăng trưởng, phát triển bền vững.

Mục tiêu của Nghị quyết 11: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm

Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.