Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Nghị quyết 14 - “cú hích” cho phát triển kinh tế tập thể
Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT) ra đời và được triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ đã thổi “luồng gió mới” cho các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX). Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025, KTTT thoát khỏi yếu kém và có nhiều mô hình mới, hiệu quả trên 5 lĩnh vực.
Thành viên HTX Nông nghiệp 8-3 (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) biểu quyết thống nhất mức đóng góp vốn điều lệ.
KTTT KHỞI SẮC
Chiều 9/7, HTX Nông nghiệp 8-3 (ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) sẽ tiến hành đại hội thường niên. Đây vốn là hoạt động bình thường của một HTX, nhưng với HTX 8-3 thì đây là sự chuyển mình có tính bước ngoặt sau nhiều năm trì trệ. Ra đời cách nay khoảng 20 năm, các thành viên HTX 8-3 được Nhà nước hỗ trợ gần 800 triệu đồng. Nhưng khi chính quyền giảm dần sự giúp đỡ để nâng cao tính tự chủ của HTX thì các xã viên không còn mặn mà tham gia sản xuất tập thể.
Để HTX 8-3 không đi vào vết xe đổ của HTX Dịch vụ nông nghiệp 1-5 (ấp Trung Hưng 1A) - bị huyện giải thể bắt buộc, Đảng ủy xã Vĩnh Hưng A đã đưa vào nghị quyết công tác năm 2021 nội dung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX 8-3. Cuối tháng 6/2021, ông Đặng Hoàng Khải - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng A chủ trì cuộc họp với nông dân ấp Trung Hưng 1B để vực dậy HTX này.
Thực trạng HTX 8-3 phản ánh phần nào hoạt động của các loại hình KTTT của huyện Vĩnh Lợi. Địa phương có 59 tổ hợp tác, 24 HTX, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp. Các THT chủ yếu trao đổi thông tin, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hoặc đại diện thành viên ký kết liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, các THT hầu như không thực hiện góp vốn để sản xuất - kinh doanh, từ đó dẫn đến hoạt động yếu kém hoặc không hoạt động.
Còn các HTX nông nghiệp có bước khởi sắc, một số HTX hoạt động có lãi và thực hiện phân phối thu nhập cho thành viên. Song, các HTX này có vốn điều lệ thấp, không có trụ sở làm việc, đội ngũ quản lý hạn chế về năng lực quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động không đảm bảo theo quy định, thành viên chưa nhận thấy hết những lợi ích khi tham gia vào HTX.
Trước tình hình này, ông Võ Văn Sáu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT huyện Vĩnh Lợi, cho biết địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các loại hình KTTT tổ chức hoạt động, nhất là HTX được lựa chọn đánh giá công nhận tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển KTTT.
Trong vụ đông xuân và hè thu năm nay, huyện Vĩnh Lợi hỗ trợ 4 HTX tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa cho thành viên và nông dân trong khu vực với diện tích 400ha. Bên cạnh đó, đầu tư cho HTX Nam Hưng một máy sạ khóm và HTX Đồng Tâm 3 máy cày nhỏ và một chiếc phà; tiếp tục giúp HTX Nam Hưng và HTX Tiến Đạt tham gia mô hình thí điểm HTX kiểu mới Đồng bằng sông Cửu Long.
HTX đan đát Quyết Tâm (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: N.Q
KHUYẾN KHÍCH CÁN BỘ TRẺ QUẢN LÝ HTX
Những chuyển biến tích cực của KTTT trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi nói riêng và cả tỉnh nói chung bắt đầu từ khi Tỉnh ủy (khóa XV) ban hành Nghị quyết 14, ngày 28/12/2018 về đẩy mạnh phát triển KTTT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bạc Liêu tập trung phát triển KTTT ở 5 lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ và tín dụng. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 đưa KTTT thoát khỏi yếu kém và có nhiều mô hình mới, hiệu quả. Và 5 năm sau, KTTT có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết 14, các ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của phát triển kinh tế hợp tác - HTX, giải thích mô hình HTX kiểu mới sâu rộng trong toàn Đảng và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Còn UBND các cấp phân công một cán bộ lãnh đạo UBND trực tiếp phụ trách công tác phát triển KTTT. Hằng năm, đưa kế hoạch phát triển KTTT vào trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức KTTT. Các nguồn lực đầu tư ưu tiên hướng vào đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản trị THT, HTX. Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật, các ngành, địa phương, nòng cốt là Liên minh HTX tỉnh còn đào tạo nghề tại HTX, giáo dục ý thức kỷ luật, kỹ năng lao động cho thành viên. Tạo điều kiện cho nông dân dồn điền đổi thửa để tổ chức sản xuất theo công nghệ cao, sản xuất hàng hóa chất lượng.
Đặc biệt, tỉnh đang dần hình thành chính sách khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tham gia các chức danh quản lý, điều hành HTX; khuyến khích hộ thành viên cử con em đào tạo đại học, sau đại học về phục vụ cho HTX. Đồng thời, xác định tiêu chí và phương pháp khoa học theo dõi đánh giá tiến trình phát triển của cán bộ trẻ trong HTX, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng nội dung thích hợp giúp cho đội ngũ cán bộ, quản lý, điều hành HTX luôn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển.
Trong những năm qua, sự phát triển KTTT của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các lĩnh vực. Do đó, Nghị quyết 14 ra đời đang từng bước phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Vũ - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đánh giá: “Khu vực THT, HTX của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều tác động đến thu nhập hộ thành viên, tạo công ăn việc làm, tác động xã hội tích cực”.
……………………...................................................................................................................................................................................................
Toàn tỉnh có 511 THT với 10.450 thành viên, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 482 THT; 172 HTX với 23.868 thành viên, riêng lĩnh vực nông nghiệp có 139 HTX. Xét về số lượng thì số THT, HTX thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 ít hơn số THT, HTX giải thể, xóa tên, nhưng chất lượng hoạt động có nâng lên, vốn điều lệ nhiều hơn.
Một số HTX hoạt động khá tốt: HTX Artemia (TP. Bạc Liêu); HTX Vĩnh Cường, HTX Đồng Tiến (huyện Hòa Bình); HTX tôm - cua giống Gành Hào, HTX may mặc An Minh (huyện Đông Hải); HTX đan đát Quyết Tâm, HTX Công nghiệp xây dựng Ngan Dừa (huyện Hồng Dân); HTX giết mổ gia súc, gia cầm Đồng Tiến (TX. Giá Rai); HTX Xây dựng Minh Phú (huyện Phước Long).
………………..........................................................................................................................................................................................................
NGUYỄN QUỐC
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ