Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Những “cầu nối” uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Với sự đóng góp tích cực, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (gọi tắt là người uy tín) được cộng đồng tín nhiệm, cấp ủy đảng, chính quyền tin tưởng. Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu, người uy tín là “cầu nối” để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ DTTS. Ở chiều ngược lại, thông qua vai trò người uy tín, tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào đã kịp thời đến với cơ quan quản lý nhà nước.
Sống vì cộng đồng
Hẻm 19 (đường Phan Đình Giót, khóm 1, phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) vừa được xây dựng lại cao ráo, rộng hơn. Trước đây, con hẻm dài hơn 70m này thường xuyên chịu cảnh ngập nước do mưa lớn hoặc triều cường, khiến sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều bất tiện. Để cuộc sống của bà con được thuận tiện, UBND phường Hộ Phòng tiến hành nâng cấp hẻm 19 cao lên 7 tấc, rộng 1,5m theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm: chính quyền hỗ trợ 7 phần, còn lại hộ dân nơi đây đóng góp. Song, bà con còn nhiều khó khăn, không đủ tiền đóng góp 30%, nên chính quyền đã nhờ ông Trương Thành (Síl) ở khóm 2 vận động tiếp gần 20 triệu đồng.
Ông Trương Thành (bên trái) là người Hoa có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai).
Từ nhiều thập kỷ qua, ông Thành đã được người dân phường Hộ Phòng, nhất là cộng đồng người Hoa tín nhiệm bởi người đảng viên này luôn sống vì mọi người. Bằng uy tín cá nhân cũng như có thời gian dài làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hộ Phòng (nay là phường Hộ Phòng), ông Thành đã huy động nhiều nguồn lực, kể cả bỏ tiền túi ra để giúp đỡ bà con trong và ngoài địa bàn. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, ông đã đóng góp, vận động hơn 1 tỷ đồng cất nhà tình thương, trao lương thực - thực phẩm, hỗ trợ áo quan… cho bà con, tặng máy lọc nước chạy thận cho Trung tâm Y tế thị xã.
Dù đã làm được nhiều việc cho cộng đồng, song người đàn ông sắp bước sang tuổi 70 này vẫn đau đáu với cuộc sống của những người nghèo khó thuộc diện bảo trợ xã hội. Ông Thành chia sẻ: “Cố gắng sang năm 2024 sẽ nối lại chương trình trợ cấp hằng tháng cho các hộ này”. Từ năm 2012, ông vận động bạn học cũ giúp đỡ 36 người già neo đơn 900.000 đồng/tháng/người. Hoạt động này duy trì liên tục trong giai đoạn 2012 - 2016, 2018 - 2021 và hy vọng sang năm mới các bên sẽ khởi động lại chương trình thiết thực này.
Giữ trật tự, phát huy văn hóa
Về xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), rất nhiều người dân địa phương đều biết và nể trọng ông Thạch Cưng - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào Khmer (gọi tắt là CLB). Với gần 70% dân số là dân tộc Khmer, giữa tháng 10/2014, chính quyền xã Hưng Hội đã ra mắt CLB. Là Phó Chủ nhiệm CLB, gần 10 năm qua, ông Thạch Cưng cùng Ban Chủ nhiệm CLB đã tích cực tuyên truyền, kết nạp thêm thành viên, từ 24 người ban đầu, nay tăng lên 54 người để chung tay cải thiện, nâng chất hoạt động CLB ở cả 3 mục tiêu. Các thành viên CLB còn có hàng trăm lượt phối hợp với Công an xã, lực lượng an ninh cơ sở tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự trước trong và sau các ngày lễ, tết, các sự kiên trọng đại của đất nước, của đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, đã giải tán 6 tụ điểm lắc bầu cua, 5 điểm đánh bài, 13 điểm ăn nhậu về khuya.
CLB còn tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và văn hóa cộng đồng. Ông Thạch Cưng đã cùng các thành viên CLB kêu gọi Ban quản trị chùa Soryaram và chùa Buppharam (cùng tọa lạc ấp Cái Giá, xã Hưng Hội) đóng mới 4 chiếc ghe Ngo nhỏ trị giá trên 200 triệu đồng, thành lập được 1 đội nhạc ngũ âm, 2 đội múa sa-dăm, quảng bá sản phẩm bánh gừng, bánh ớt… để tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc. Ngoài ra, ông Thạch Cưng còn nêu gương thi đua lao động sản xuất để nâng cao đời sống, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Chùa Soryaram tổ chức đua ghe Ngo nhỏ trong khuôn viên chùa mừng lễ vào năm mới.
Bạc Liêu hiện có 24 DTTS, trong đó, dân tộc Khmer và dân tộc Hoa có số dân chiếm phần lớn. Theo Quyết định 306, ngày 15/2/2023 của UBND tỉnh, Bạc Liêu có 130 người uy tín. Người uy tín vừa là cầu nối giữa Đảng với dân, vừa là động lực phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách để phát huy vai trò của người uy tín trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, nhất là vùng có đông đồng bào DTTS. Việc vận động người uy tín gắn với bảo vệ và nâng cao uy tín của họ, tạo điều kiện cho người uy tín tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn vào các công việc của địa phương.
Bài và ảnh: Nguyễn Quốc