Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nỗ lực giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo

Thứ Sáu, 11/02/2022 | 16:04

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua Bạc Liêu đã nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực để kéo giảm số lượng hộ nghèo. Năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn 0,38% hộ nghèo, 1,45% hộ cận nghèo (theo tiêu chí cũ). Tuy nhiên, theo tiêu chí mới của Bộ LĐ-TB&XH, trong đợt rà soát mới đây, Bạc Liêu có gần 11.500 hộ nghèo (chiếm 5,09%), hộ cận nghèo trên 14.670 hộ (chiếm 6,5%). Trước thực tế này, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng xây dựng các giải pháp với phương châm “giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tặng quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: H.T

NHẬN DIỆN HỘ NGHÈO THEO TIÊU CHÍ MỚI

Để có những giải pháp, chiến lược giảm nghèo hiệu quả, bền vững thì việc trước tiên cần làm chặt chẽ là thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Chính vì vậy, trên cơ sở các tiêu chí mới, Ban Chỉ đạo (BCĐ) điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo đã chỉ đạo BCĐ các cấp, ngành chức năng phải thực hiện nghiêm túc quy trình, phương pháp rà soát, phân loại. Trong quá trình thực hiện, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn phải được lấy ý kiến thống nhất của người dân theo quy định và được niêm yết, thông báo công khai. Đồng thời, các cấp, các ngành tổ chức phân loại hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, xây dựng giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng hộ trên cơ sở các chính sách giảm nghèo hiện hành và nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo.

Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu trao bảng tượng trưng tặng nhà tình thương cho hộ nghèo. Ảnh: H.T

Để đánh giá lại công tác rà soát trên, mới đây Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát bằng văn bản đối với Sở LĐ-TB&XH, giám sát trực tiếp đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đoàn đã gặp trực tiếp 84 hộ nghèo, cận nghèo đã được các xã điều tra, rà soát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của người dân. Qua giám sát cho thấy, hầu hết các địa phương đều rà soát khá kỹ lưỡng, đặc biệt nhận diện rất rõ hộ nghèo, cận nghèo hiện nay phần lớn là vướng vào tiêu chí thu nhập và việc làm. Nguyên nhân chính là do “hậu COVID-19” để lại khiến người dân vừa mất việc làm, thu nhập từ lao động thời vụ lại quá thấp trong khi tiêu chí mới lại nâng cao hơn về mức thu nhập (khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới cũng đặt ra đối với Bạc Liêu, nhất là khi tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình.

GIẢM NGHÈO BẰNG CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Tại hội nghị đánh giá kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 - 2025, đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh đã đề nghị lãnh đạo các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo…; xem nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng và triển khai các giải pháp giảm nghèo, tránh tình trạng chạy theo thành tích; cần quan tâm để hộ nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ; chú trọng nhất là tạo việc làm với thu nhập ổn định cho người dân sau dịch COVID-19; các giải pháp đều phải hướng đến giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo…

Hội LHPN tỉnh thăm hỏi và hỗ trợ cho hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: T.T

Với tinh thần trên, các địa phương tự tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác giảm nghèo của mỗi địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể, chỉ tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025. Việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo phải đi từ cơ sở để có cái nhìn khách quan từ địa phương, từ đó phân công trực tiếp cán bộ xã, phường hỗ trợ người dân trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng xây dựng giải pháp đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững… nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội.

Sau rà soát, tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng giải pháp giảm nghèo toàn diện. Trong đó, chú trọng vào chính sách hỗ trợ gắn với điều kiện, chính sách hỗ trợ tạo việc làm phải là việc làm có năng suất và thu nhập tốt, bảo đảm thoát nghèo bền vững. Các chính sách cần ưu tiên cho các nhóm đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo…

HOÀNG UYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.