Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục: Mối quan tâm của các cấp ủy Đảng
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí cho nhân dân và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển của địa phương…
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các thầy cô giáo và học sinh có thành tích trong giảng dạy và học tập. Ảnh: M.Đ |
Một trong những mục tiêu mà các cấp ủy Đảng, chính quyền đặt ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương là hướng đến giải pháp phát triển toàn diện. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình trường lớp… luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 27,39% trường đạt chuẩn quốc gia, đồng thời tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng ký túc xá sinh viên, lập dự án xây dựng Trường đại học Bạc Liêu cơ sở 2 đạt chuẩn. Trường đại học Bạc Liêu cũng đang thực hiện thí điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, các cấp ủy Đảng trong tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo viên, chất lượng dạy và học. Theo đó, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, quản lý giáo dục, giáo viên và chính sách thu hút cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về các xã vùng sâu công tác; đồng thời, thực hiện đạt kết quả chính sách đầu ra cho giáo viên không đạt chuẩn ngành Giáo dục. Để nâng cao chất lượng GD-ĐT ở các cấp học, ngành học, tỉnh cũng đã triển khai chủ trương đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên, dạy ngoại ngữ cho học sinh ở các cấp học theo phương pháp mới. Năm học 2014 - 2015, ngoài TP. Bạc Liêu thì hầu hết các huyện đều triển khai thí điểm có hiệu quả mô hình giáo dục tiểu học, THCS chất lượng cao thông qua việc thi tuyển giáo viên, học sinh vào các lớp điểm sáng.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp ủy Đảng. Ngoài việc thường xuyên nghe về tình hình hoạt động, công tác tổ chức cán bộ, việc đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ trong hệ thống giáo dục; các địa phương còn trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo để đảm bảo việc đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, làm cơ sở bố trí sắp xếp, quy hoạch, bổ nhiệm. Khi đánh giá, xếp loại phải đảm bảo khách quan, công khai, phản ánh đúng năng lực và phẩm chất… Tiêu biểu như TP. Bạc Liêu đã tổ chức có hiệu quả các đợt thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó; huyện Đông Hải với chính sách thu hút giáo viên (đặc biệt là giáo viên mầm non) về công tác ở vùng sâu; hay như huyện Vĩnh Lợi đã áp dụng giải pháp luân chuyển cán bộ, giáo viên một cách hợp lý nhằm tạo sự đồng đều trong chuyên môn giữa các trường…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi thì vẫn còn một số hạn chế trong lĩnh vực GD-ĐT như: Dù đã được đầu tư nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa đảm bảo tính hiện đại, ảnh hưởng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy - học, số lượng giáo viên giỏi còn ít, trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ thấp… Các cấp ủy Đảng xác định phải thực hiện hiệu quả các giải pháp mà nghị quyết và chỉ thị về lĩnh vực giáo dục đã được triển khai. Do vậy phải huy động tổng hợp các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là quan tâm đến vùng sâu, vùng xa để có được nền giáo dục đồng bộ và theo kịp với thời đại.
Hoàng Uyên
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững