Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer
Từ việc tích cực thực hiện các chính sách dân tộc, vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh được phát triển ngày càng toàn diện. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, Nhà nước.
Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái) cùng đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng - An ninh (Quốc hội) chúc tết Chôl-chnăm-thmây 2022 Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: N.Q
ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO KHMER ĐƯỢC CẢI THIỆN, NÂNG CAO
Trước thềm tết Chôl-chnăm-thmây 2022, căn nhà tình thương của gia đình chiến sĩ dân quân cơ động Phạm Văn Nam (người Khmer, 32 tuổi, ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đã được xây cất xong. Nam tham gia lực lượng quân sự địa phương, còn vợ là nhân công lột vỏ tôm nguyên liệu nên cuộc sống gia đình 3 thành viên gặp nhiều khó khăn. Xét hoàn cảnh này, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Lợi cùng chùa Buppharam (chùa Cái Giá chót) đã giúp đỡ gia đình Nam 58 triệu đồng để cất ngôi nhà mới.
Cũng ở ấp Cái Giá, gia đình anh Sơn Sóc Kha đã thoát “hộ nghèo có sổ” vào năm 2020 nhờ tính cần cù lao động và sự giúp đỡ đúng lúc, đúng nhu cầu từ chính quyền. Nhà anh Kha có 2 công đất trồng rau màu, nên dù làm lụng quanh năm cũng không đủ trang trải cuộc sống. Để giúp hộ này vươn lên, chính quyền tặng một con bò, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình anh khoan giếng nước, xây nhà tiêu hợp vệ sinh và đầu tư vào trồng rau dền, rau muống, rau bồ ngót. Thu nhập từ trồng rau ổn định, nhà anh Kha trả nợ ngân hàng đúng quy định và đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2021.
Cái Giá là ấp có 533/551 hộ dân tộc Khmer (chiếm 96,7% tổng số hộ của ấp). Trưởng ấp Cái Giá - Phan Minh Tuyền cho biết, đời sống người dân nơi đây ổn định, chỉ còn 41 hộ nghèo và 15 hộ có nhà chưa đạt tiêu chí “nhà 3 cứng”: nền cứng, cột cứng và vách cứng. Kết quả công tác giảm nghèo của ấp Cái Giá đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh xuống con số 793 hộ, chiếm 0,35% so với tổng số hộ dân, riêng hộ dân tộc thiểu số nghèo còn 134 hộ. Hòa thượng Hữu Hinh - Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cho biết, cuộc sống của đồng bào Khmer đã được cải thiện, nâng cao nhiều so với trước đây, giao thông đi lại trong phum sóc và kết nối giữa vùng đồng bào Khmer với các vùng khác cũng đã thuận lợi rất nhiều.
Văn hóa đồng bào Khmer luôn được bảo tồn và phát huy giá trị. Trong ảnh: Lễ hạ ghe Ngo.
QUAN TÂM ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG CÁN BỘ NGƯỜI KHMER
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng cơ bản ổn định và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS được quan tâm, giữ vững ổn định. Đó là đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường, đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS và tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
Qua thực hiện các chương trình, dự án và các chính sách dân tộc đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội về điện, đường, trường, trạm y tế..., đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đồng bào DTTS. Tất cả 49 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ làm việc; 100% khóm, ấp có nhân viên y tế.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người DTTS, nhất là ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng được quan tâm thực hiện. Tính đến nay, Bạc Liêu có 1.200 đảng viên, 900 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm 5,4% tổng số cán bộ toàn tỉnh, trong đó cán bộ người DTTS giữ chức danh lãnh đạo là 104 người. Trình độ chuyên môn của cán bộ người DTTS đạt yêu cầu tiêu chuẩn từ trung cấp trở lên là 854 người, và hơn 1.000 người được đào tạo trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước.
Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa DTTS được bảo tồn, giữ gìn cốt cách văn hóa bền vững của các dân tộc, như: duy trì tổ chức các hoạt động nhân lễ, tết của đồng bào dân tộc, hoạt động văn nghệ quần chúng, ẩm thực, dạy học tiếng dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, duy trì hoạt động truyền thông về dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 16 trường, 84 lớp dạy tiếng DTTS, có 7 công trình của đồng bào Khmer được xếp hạng di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh. Và hiện tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị công nhận “Điệu múa Rôm-vông” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng còn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vùng đồng bào DTTS. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận, dân tộc. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang vùng đồng bào DTTS thực hiện tốt phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Nông dân Sơn Sóc Kha (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch rau bồ ngót.
Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để mua mới, tu bổ, sửa chữa ghe Ngo và mua sắm 22 dàn nhạc ngũ âm cho 22 chùa Khmer trên địa bàn với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng, tổ chức Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian theo đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, có 22 đội tham dự.
Đồng thời, chỉ đạo Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu tham gia Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ V tại tỉnh An Giang năm 2011 và lần thứ VI tại tỉnh Hậu Giang năm 2014. Đặc biệt năm 2017, tỉnh Bạc Liêu đăng cai sự kiện này lần thứ VII, với chủ đề: “Đồng bào Khmer Nam Bộ - Đoàn kết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ và hiệu quả.
NGUYỄN QUỐC
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ