Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do UBND tỉnh ban hành bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Thị Ái Nam phát biểu tại buổi tổng kết. Ảnh: Y.N |
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói quy chế còn tồn tại một số mặt hạn chế. Có thể kể đến là việc còn một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí tiếp cận và thu thập thông tin theo yêu cầu tác nghiệp. Song song đó, việc tổ chức họp báo, giao ban còn hạn chế trong hoạt động cung cấp thông tin định kỳ, thường xuyên. Tại buổi tổng kết, nhiều đơn vị tham luận đều có chung một nhận định là trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn của người được phân công phát ngôn chưa đáp ứng yêu cầu, do đó dẫn đến việc có nhiều người đại diện phát ngôn của các đơn vị còn ngại tiếp xúc báo chí, né tránh khi cung cấp thông tin cho báo chí. Yêu cầu của các đơn vị là thời gian tới, UBND tỉnh và Sở Thông tin - Truyền thông cần tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ phát ngôn, trong đó có lĩnh vực báo chí…
Một vấn đề cũng gây không ít khó khăn cho các cơ quan báo chí trong thời gian qua chính là khó tiếp cận được với người phát ngôn. Mặc dù nhiều đơn vị đã có sự chủ động cử người phát ngôn, nhưng do họ phụ trách nhiều lĩnh vực và thường xuyên bận rộn, thành thử khi có những vấn đề nóng báo chí muốn trực tiếp trao đổi thì hầu như không gặp được. Đã từng có trường hợp phóng viên phải chờ đến 19 giờ mới có được cuộc hẹn với người phát ngôn của một sở, ngành tỉnh; lại có trường hợp phóng viên đã gửi câu hỏi cho người phát ngôn trước cả tuần và đã có hẹn lịch làm việc cụ thể nhưng đến giờ chót vẫn bị hoãn vì lý do bận công tác…
Phát biểu tại buổi tổng kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Thị Ái Nam đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố quan tâm hơn trong việc phối hợp cung cấp thông tin và phát ngôn cho báo chí. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cử người phát ngôn có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm trong chủ động nắm thông tin, phân tích, xử lý thông tin để đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chính xác. Người phát ngôn hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan báo chí hoặc phóng viên, nhà báo phụ trách để phối hợp trong thông tin, tuyên truyền, tránh tình trạng né tránh báo chí. Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức tập huấn cho người phát ngôn các cơ quan, đơn vị nắm được kỹ năng phát ngôn. Đối với các cơ quan báo chí, cần quan tâm giáo dục tư tưởng, nhận thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đảm bảo thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, góp phần định hướng tốt dư luận xã hội.
TUẤN ANH
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững