Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Sẵn sàng tăng tốc vào năm “bản lề” 2023
Gần 2 năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với cả nước, Bạc Liêu đã tập trung cho cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19, khiến bước khởi đầu cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nhiệm kỳ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu không đạt như kỳ vọng. Do đó, năm 2023 được xác định là năm “bản lề” cho cuộc tăng tốc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với sự khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng tăng tốc để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2023, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh năm 2023.
TẬP TRUNG CHO CHỈ TIÊU CHƯA ĐẠT VÀ ĐẠT THẤP
Năm 2022 khép lại với thành quả và những con số ấn tượng. KT-XH có chiều hướng phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt 9,6%, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 15 cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn đến 5/20 chỉ tiêu KT-XH năm 2022 chưa đạt, gồm: cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; sản lượng lúa; kim ngạch xuất khẩu; xã nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cần được sớm khắc phục. Trong đó, đáng lo nhất là hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của một số đơn vị cấp sở, cấp huyện, cấp xã trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm, năng lực công tác và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu…
Vì vậy, để đạt được kết quả cao nhất ở năm “bản lề” 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành trước mắt phải khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên. Đơn cử như, đối với chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cho rằng doanh nghiệp cần phải chủ động, nỗ lực hơn rất nhiều vì theo dự báo năm 2023 khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại hoặc gặp bất ổn, thì xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn. Hướng tới, tỉnh sẽ tổ chức kết nối với ngân hàng nhằm hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hay đối với mục tiêu xây dựng “thủ phủ” tôm của cả nước, sau nhiều năm triển khai vẫn chưa chạm tới được đích đến. Để biến khát vọng thành hiện thực, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã đề nghị ngành Nông nghiệp phải có sự lăn xả, quyết liệt hơn, tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp thực hiện mục tiêu cho kỳ được. Đồng thời tiến hành quy hoạch các vùng nuôi tôm nhằm xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng của bà con.
Các địa phương quyết liệt hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm 2023. Trong ảnh: Thi công xây dựng lộ giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Bình. Ảnh: H.T
PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH CAO NHẤT 22 CHỈ TIÊU
Để tăng tốc hiệu quả trong năm “bản lề”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 với mục tiêu tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân… Theo đó, Nghị quyết đã đề ra 22 chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng kinh tế đạt 10%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%/năm; xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Với các mục tiêu, chỉ tiêu trên, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, các ngành, địa phương đã thảo luận đưa ra những giải pháp thực hiện. Đơn cử ở lĩnh vực nông nghiệp thì có sự thống nhất với giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để xuất khẩu. Đối với việc thực hiện chỉ tiêu sản lượng lúa đạt 1,2 triệu tấn, ngành Nông nghiệp cũng đã đưa ra giải pháp xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo. Song song đó là xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu.
Việc thực hiện tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các địa phương rà soát tiêu chí để tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đồng thời phải hướng đến tính bền vững lâu dài của các tiêu chí, gắn với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Tiếp tục thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, phát triển thêm 22 sản phẩm được chứng nhận 3 sao trở lên, phấn đấu có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Có thể nói, nhiệm vụ năm 2023 trong tổng thể mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ là rất lớn, những giải pháp cũng đã được xây dựng để sẵn sàng cho cuộc tăng tốc cho năm 2023. Vấn đề còn lại là đòi hỏi lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt; có sự chuyển biến, hành động ngay ở từng ngành, từng địa phương, cán bộ, công chức phải thật sự nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Bởi nhân lực chính là nhân tố quyết định kết quả cuối cùng của mục tiêu, định hướng phát triển.
HOÀNG UYÊN
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường