Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Song hành cùng lợi ích của Nhân dân
Trải qua 15 nhiệm kỳ Quốc hội, hơn 10 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, Bạc Liêu cho thấy hình thức thực thi quyền lực của Nhân dân bằng dân chủ đại diện dần tạo được niềm tin trong cử tri; khẳng định nhất quán nguyên tắc của Hiến pháp nước ta là “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND các cấp trong tỉnh luôn có sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hơn trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Đặc biệt với những đại biểu dân cử, được cử tri tin tưởng bầu chọn dù ở bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào cũng đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự tâm huyết rất lớn vì sự phát triển của quê hương, đất nước; quan trọng nhất là thỏa mãn sự kỳ vọng của Nhân dân.
Bài 1: Tích cực đổi mới, hoạt động hiệu quả
Để xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương vững mạnh, toàn diện, Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp trong tỉnh thời gian qua đã luôn có sự đổi mới tích cực từ hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát chuyên đề đến tổ chức các kỳ họp nghiêm túc, hiệu quả. Kết quả nổi bật của đổi mới chính là sự phấn khởi, tin tưởng của cử tri, Nhân dân khi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và theo dõi hoạt động của các đại biểu. Đặc biệt, những vấn đề Nhân dân bức xúc, quan tâm đều được cơ quan dân cử lắng nghe, thực hiện lời hứa, thực hiện giám sát và biểu quyết trên nghị trường.
HĐND tỉnh “tái giám sát” về việc thực hiện kiến nghị của cử tri, các đoàn giám sát tại TX. Giá Rai.
NHIỀU QUYẾT SÁCH HỢP LÒNG DÂN
Không khó để nhận thấy, nhiều dấu ấn đậm nét từ những đổi mới, nâng cao hơn về chất lượng và hoạt động sôi nổi của các đại biểu, cơ quan dân cử được cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao. Trong đó, nổi bật là HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, điều hành, nhất là các kỳ họp HĐND ngày càng nâng cao hơn về chất lượng. Trước mỗi kỳ họp, HĐND đã tổ chức họp liên tịch trước 60 ngày để chuẩn bị chu đáo các nội dung, giảm việc đọc văn bản, dành thời gian cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận. Đặc biệt, những kỳ họp gần đây đều thực hiện theo tiêu chí “kỳ họp không giấy”, HĐND tỉnh cùng với các cơ quan hữu quan đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài liệu, văn bản với nội dung trọng tâm, có phân tích kỹ và gửi trước tới đại biểu thông qua phần mềm VNPT-ecabinet.
Các nội dung cần xem xét, quyết định đều được Thường trực, các ban HĐND cùng các cơ quan hữu quan tập trung chuẩn bị, thẩm định, chỉnh sửa trước khi trình kỳ họp HĐND thảo luận và quyết định. Đó có thể là các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền; chỉ tiêu, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phân bổ dự toán thu, chi ngân sách và quyết toán ngân sách; lựa chọn và quyết định nhiều vấn đề mà cử tri, Nhân dân quan tâm, phản ánh được yêu cầu thực tế ở địa phương. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 140 nghị quyết; cấp huyện trên 620 nghị quyết; cấp xã trên 2.860 nghị quyết. Riêng tại kỳ họp cuối năm 2023, bên cạnh các nghị quyết liên quan đến ngân sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, hợp lòng dân như: hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; quy định chính sách khen thưởng khuyến khích đối với tập thể, cá nhân đạt kết quả cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; quy định khu vực thuộc nội thành, khu dân cư không được phép chăn nuôi; hỗ trợ cước phí giám sát hành trình tàu cá…
Cử tri huyện Đông Hải kiến nghị những vấn đề bức xúc với đại biểu HĐND huyện. Ảnh: T.T
NÂNG CAO VỊ THẾ, XỨNG ĐÁNG VỚI NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN
Trong quá trình đổi mới, nâng cao vị thế, vai trò của mình, các cơ quan dân cử địa phương đã xác định trách nhiệm của người đại biểu dân cử với cử tri và Nhân dân phải được thể hiện thành hành động cụ thể trong thực hành dân chủ ở cơ sở; tạo ra những điều kiện cần thiết để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Hải, cho rằng đại biểu phải liên hệ thường xuyên, mật thiết với Nhân dân, chủ động cải tiến các hình thức thực thi vai trò đại diện, đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Phải lắng nghe, hỏi ý kiến để biết cử tri cần gì, muốn nghe gì; làm sao để dân dám nói, dám bày tỏ quan điểm, chính kiến, tranh luận để tìm ra chân lý… Được như vậy sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, xa dân hay sự nghi ngờ, thiếu niềm tin của dân. Chính từ sự sâu sát này, HĐND huyện Đông Hải đã thực hiện rất hiệu quả việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức giám sát, khảo sát được 18 chuyên đề, trong đó có 6 chuyên đề thuộc lĩnh vực nội chính - pháp luật; 5 chuyên đề thuộc lĩnh vực giao thông nông thôn, xây dựng cơ bản… Qua giám sát, đoàn đã có gần 50 kiến nghị được các đơn vị thực hiện và gửi báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về Thường trực HĐND huyện xem xét, đã có gần 30 kiến nghị được thực hiện xong.
Nhìn từ hoạt động giám sát của HĐND tỉnh cũng thấy được rất rõ sự đổi mới hiệu quả. Đó là việc cơ quan dân cử đã mạnh dạn thực hiện đánh giá chính mình khi tổ chức giám sát hoạt động HĐND cấp huyện, cấp xã. Qua đó thấy được những hạn chế, tồn tại để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, uốn nắn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Sự quyết liệt để nâng cao chất lượng hoạt động còn thể hiện khi HĐND tỉnh tổ chức 2 cuộc “tái giám sát” khá… nặng ký! Hàng trăm vấn đề mà đại biểu các đoàn giám sát trước đó hoặc đã chất vấn tại các kỳ họp cũng như những vấn đề cử tri đặt ra trước kỳ họp, nhất là những bức xúc mà Nhân dân kiến nghị nhiều lần được đại biểu dân cử “truy” tới cùng. Điều này đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là các ngành, các cấp, các địa phương cũng đã khẩn trương khắc phục những hạn chế, sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề cử tri kiến nghị, bức xúc…
Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã tổ chức hơn 560 cuộc giám sát, khảo sát trên các lĩnh vực: kinh tế, xây dựng cơ bản, phân bổ thu - chi ngân sách, quản lý đất đai, văn hóa - xã hội, hoạt động của các cơ quan tư pháp, kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp... Việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chỉ chấm dứt khi các cơ quan, đơn vị thực hiện hoàn thành các kết luận, kiến nghị. Những cuộc giám sát này không chỉ đáp ứng nguyện vọng, giải tỏa bức xúc của cử tri mà còn góp phần nâng cao vị trí, vai trò của HĐND các cấp trong phòng, chống tham nhũng, góp phần để các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, quyết liệt hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
HOÀNG UYÊN