Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Tăng tốc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững
Mục tiêu Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt là NQ 13) là đến cuối giai đoạn này thì tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm còn dưới 1%. Do đó, bước vào năm tăng tốc của nhiệm kỳ nói chung, của mục tiêu GNBV nói riêng, các địa phương đã và đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác này.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo huyện Hòa Bình. Ảnh: T.T
QUYẾT LIỆT VỚI NHIỀU GIẢI PHÁP
Để thực hiện hiệu quả NQ 13, huyện Phước Long đã triển khai các kế hoạch, chương trình cho từng giai đoạn, một năm với những giải pháp cụ thể. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho Nhân dân. Đặc biệt là tập trung vào cấp cơ sở và vùng sâu, vùng xa để Nhân dân hiểu và nắm rõ các chính sách giảm nghèo, quyền lợi của người nghèo, nâng cao nhận thức về giảm nghèo, giúp người nghèo có kỹ năng trong sản xuất, phát triển kinh tế để tự thoát nghèo.
Huyện Đông Hải là địa phương triển khai nhanh, hiệu quả Dự án đa dạng hóa mô hình sinh kế. Với nguồn vốn được phân bổ trên 3,8 tỷ đồng, huyện đã tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tìm hiểu điều kiện thực tế, khả năng thực hiện các mô hình phù hợp, từ đó bàn thảo cùng người dân để họ quyết định đúng với nhu cầu bản thân. Hiện huyện đã giải ngân hết nguồn vốn trên, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ 25 triệu đồng thực hiện một số mô hình khá hiệu quả như: nuôi heo thương phẩm, nuôi gà, vịt xiêm… Bên cạnh đó, Đông Hải cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bởi đây chính là giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững nhất. Năm 2023, huyện có trên 150 lao động đã xuất cảnh, đạt trên 300% chỉ tiêu tỉnh giao.
Còn với huyện Hòa Bình, bên cạnh triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế như: nuôi bò, dê sinh sản, nuôi tôm, cua, cá, trồng dưa hấu, rau má… thì tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo. Đơn cử như năm 2023, huyện đã phối hợp mở 47 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.300 lao động, đa phần học viên sau đó đều có việc làm, thu nhập ổn định…
Giảm nghèo nhanh nhưng cần nhất vẫn là bền vững
Với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, công tác GNBV trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến nhanh. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh chỉ còn khoảng hơn 1,7%, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ giảm xuống dưới 1%, cũng có nghĩa là Bạc Liêu sẽ vượt tiến độ đề ra (theo NQ 13 đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%). Để có được kết quả này, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương, đồng thời cụ thể hóa cho phù hợp bằng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cấp tỉnh, huyện, xã để hỗ trợ người nghèo trên mọi mặt như: Hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất... Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí để giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác giảm nghèo. Mặc dù số hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh giảm nhanh, nhưng qua khảo sát thì còn nhiều tiêu chí thiếu hụt không giảm, hoặc có tiêu chí đạt nhưng tính bền vững vẫn chưa cao. Chẳng hạn như tiêu chí về nhà ở, hiện toàn tỉnh còn khoảng 8.000 căn nhà xuống cấp cần được sửa chữa hoặc xây mới với tổng kinh phí dự kiến 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, rất nhiều hộ nghèo không có đất sản xuất nên việc hỗ trợ vốn sinh kế rất khó khăn, trong khi nguồn vốn Trung ương phân bổ, quy định có thể hỗ trợ dự án lên đến 100 triệu đồng, nhưng hiện dự án cao nhất được hỗ trợ của tỉnh chỉ khoảng 40 triệu đồng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiện vẫn chưa hiệu quả, ngoài việc cơ sở vật chất đào tạo xuống cấp, các địa phương cũng chưa có sự đổi mới, linh hoạt trong khảo sát nhu cầu học nghề của người dân…
Quả thật, thành quả của việc đạt và vượt chỉ tiêu về giảm số lượng hộ nghèo cũng chính là sự nỗ lực không nhỏ của các cấp, các ngành cho công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, mục tiêu GNBV, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội hiện vẫn là một chặng đường dài. Do đó, thiết nghĩ việc hướng đến tính bền vững là nền tảng vững chắc nhất để chống tái nghèo hiệu quả nhất, tạo thế và lực vững vàng để tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
HOÀNG UYÊN