Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Tạo sự đột phá từ công tác cán bộ
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định: để hoàn thành tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, nhất là biến khát vọng Bạc Liêu vươn lên tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước, công tác cán bộ phải là khâu đột phá! Đó là sự đột phá đến từ “cái gốc của công việc”, bền vững và hiệu quả. Nhưng từ chủ trương đến hành động thực tiễn là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực và cả những giải pháp căn cơ.
Bài 1: Nhìn lại đội ngũ cán bộ
Ngày 1/1/1997, Bạc Liêu được tái lập từ tỉnh Minh Hải với nền tảng là một đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu. Nguồn lực từ con người cho công việc cụ thể ở một đơn vị hay ở tổ chức cơ sở đảng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hơn 20 năm sau, tỉnh đã sở hữu được một đội ngũ cán bộ dồi dào, tuổi đời khá trẻ, năng động, có kinh nghiệm và kỹ năng tiếp cận công việc nhanh chóng. Dù đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế nhưng đó vẫn là một thành tựu rất đáng tự hào!
Đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: L.A
CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ NGÀY CÀNG CAO
Cách đây hơn 10 năm, thành phố Bạc Liêu (lúc bấy giờ là thị xã Bạc Liêu) khá hụt hẫng về cán bộ. Trong tổng số cán bộ, công chức ở các phường, xã thì có đến 20% cán bộ mới tốt nghiệp THCS, trên 34% cán bộ có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ; còn 12% cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và gần 39% cán bộ chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Để khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của địa phương, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trong đó chú ý đến cán bộ trẻ, có triển vọng; có kế hoạch đào tạo cụ thể từng năm theo phương châm thiếu gì đào tạo nấy. Thành phố cũng mạnh dạn thay thế những cán bộ đương nhiệm hay cán bộ trong quy hoạch không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, uy tín, không phát huy được hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời bố trí, sử dụng ở những vị trí kế cận để tạo nguồn cán bộ cho những vị trí cần thay thế.
Nhờ những giải pháp mạnh mẽ này, bây giờ 2/3 đội ngũ cán bộ thành phố đã có trình độ cao đẳng, đại học; trên 50% có trình độ lý luận trung cấp; hơn một nửa số cán bộ, công chức phường, xã dưới 35 tuổi. Đội ngũ cán bộ được đánh giá là vững nghiệp vụ, có kỹ năng, am hiểu luật pháp, năng động, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và sự đòi hỏi của thành phố trung tâm cả tỉnh.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và 8 năm thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ; làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong công tác cán bộ; triển khai thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy trình các khâu công tác cán bộ, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Toàn tỉnh có trên 18.800 công chức, viên chức, trong đó cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã là 2.400 người. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp được đào tạo cơ bản, được rèn luyện thử thách và trưởng thành từ thực tiễn. Trình độ, kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, đa số cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực trong sự phát triển của tỉnh.
NHẬN DIỆN NHỮNG HẠN CHẾ
Đánh giá về những hạn chế sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy đã chỉ ra: năng lực một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ khoa học thì còn nhiều bất cập cả về số lượng cũng như chất lượng, trong khi đó cán bộ quản lý kinh doanh thiếu kinh nghiệm, thiếu những cán bộ quản lý kinh tế giỏi!
Các khâu của công tác cán bộ cũng có nhiều điểm yếu, trong đó khâu yếu nhất vẫn là nhận xét, đánh giá cán bộ nhưng lại chậm được khắc phục. Việc kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ còn một số hạn chế; một số cuộc kiểm tra, giám sát có chất lượng không cao cũng là một hạn chế cần quan tâm trong thực hiện công tác cán bộ ở các cấp, các ngành trong tỉnh.
Gần đây, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tỉnh ủy cũng thống nhất cho rằng một trong những nguyên nhân chủ quan tạo ra những hạn chế, yếu kém trong nửa nhiệm kỳ qua là trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, tinh thần trách nhiệm với công việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa cao và tinh thần phục vụ nhân dân chưa thật tốt đã ảnh hưởng đến chất lượng điều hành của bộ máy.
Với bộ máy cơ sở, nhìn lại sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đã cho thấy một thực tế là chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi đó, chính sách tiền lương vẫn chưa bảo đảm cuộc sống; việc xây dựng đội ngũ cán bộ còn thiếu đồng bộ, công tác quy hoạch còn khép kín, một số cấp ủy lại chưa mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số có trình độ và khả năng phát triển.
Những tồn tại, hạn chế về chất lượng đội ngũ cán bộ thật ra đã được tỉnh nhìn nhận từ lâu và có nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục, tạo sự chuyển biến tích cực như thu hút trí thức trẻ về cơ sở, thu hút nhân lực chất lượng cao về tỉnh, hay chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ… Tuy nhiên, những giải pháp này dù ít nhiều đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa mang lại sự đột phá như mong đợi. Vấn đề đặt ra là làm sao những giải pháp này thật sự làm bật được chất lượng và khát vọng của cán bộ để có sự đóng góp lớn hơn vào quá trình phát triển của tỉnh trong thời gian tới?
THANH LÂM
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ