Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nghiêm túc và hiệu quả
Qua thời gian triển khai thực hiện, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đã nhanh chóng đi vào đời sống. Ở cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, phục vụ dân nhiều nhất - Chỉ thị 12 đã tạo nên những chuyển biến tích cực, tạo thêm nhiều niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Gần 11 giờ trưa, phòng một cửa tại trụ sở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) vẫn có mặt đầy đủ cán bộ, công chức ở các vị trí làm việc. Vài người dân vẫn chưa xong việc của mình ở phòng một cửa nên nán lại để hỏi và hoàn tất các thủ tục hành chính. Mặc dù thời gian đã khá muộn, họ vẫn được hướng dẫn và tư vấn một cách nhiệt tình. Trên bảng phân công công tác được treo trước phòng một cửa, tên cán bộ lãnh đạo trực trong các ngày được ghi rõ, giúp người dân có thể nắm tình hình, biết được người có trách nhiệm giải quyết công việc trong ngày nếu có phản ánh, thắc mắc. Là một xã có diện tích rộng, dân cư đông, gia đình chính sách nhiều nên người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính ở phòng một cửa khá đông, tạo ra áp lực không nhỏ, nhưng cán bộ, công chức ở đây đều có thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Nhiều hồ sơ đơn giản được rút gọn thời gian giải quyết. Sáng thứ Bảy, phòng một cửa cũng làm việc nhằm giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục cho dân.
Khẳng định cơ quan triển khai thực hiện Chỉ thị 12 rất nghiêm túc, anh Nguyễn Trung Đông (công chức phòng một cửa xã Châu Thới) cho biết: “Trước đây anh em cũng chấp hành tốt các quy định về giờ giấc làm việc, nội quy cơ quan, nhưng thỉnh thoảng nếu có việc thì cũng có người đi ra ngoài hoặc tranh thủ về sớm giải quyết công việc riêng. Nhưng từ khi có Chỉ thị 12 thì gần như không còn tình trạng này nữa. Đúng 7 giờ sáng là mọi người có mặt đầy đủ trong phòng làm việc, ra về cũng đúng giờ. Ở các bộ phận khác, cán bộ cũng có mặt làm việc đúng giờ, ngoại trừ anh em ở các đoàn thể, dân vận phải đi xuống dân hay làm phong trào”.
Cán bộ phòng một cửa xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân. Ảnh: H.L
Không riêng Châu Thới, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã triển khai Chỉ thị 12 đến tất cả cán bộ, công chức, đến các đoàn thể nhân dân và các khóm - ấp trên địa bàn. Để việc thực hiện đạt hiệu quả cao, bên cạnh công tác kiểm tra đột xuất và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền cấp trên, các địa phương còn sử dụng công cụ giám sát của nhân dân. Vì vậy, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực từ ý thức trách nhiệm đến thái độ phục vụ dân của đa số cán bộ, công chức cấp cơ sở. Điều này được minh chứng rõ nhất tại các phòng một cửa ở xã, phường - nơi thường xuyên có sự tiếp xúc và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho nhân dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào đầu và cuối giờ làm việc đều có mặt khá đầy đủ cán bộ, công chức; thái độ làm việc ôn hòa, chịu khó lắng nghe, giải thích với người dân trong hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên lắng nghe những phản hồi từ báo chí và người dân để điều chỉnh những xã, phường chưa thật sự làm tốt.
Có thể nói, mục tiêu cuối cùng mà Chỉ thị 12 hướng đến không chỉ là điều chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức mà quan trọng hơn là hiệu quả phục vụ nhân dân, hiệu quả công việc, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, chung tay với tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 12 thật sự đi vào đời sống, việc kiểm tra, giám sát phải thường xuyên và nghiêm túc ở tất cả các ngành, các cấp, có như vậy mới có thể tránh khỏi tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong quá trình thực hiện chủ trương quan trọng này.
THANH LÂM
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ