Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thực hiện Chỉ thị 12: Trao quyền giám sát cho người dân
Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”, hơn 3 tháng từ khi được ban hành đã dần đi vào đời sống. Bên cạnh việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị thành những quy định của cơ quan, đơn vị, nhiều cấp ủy, chính quyền còn sử dụng công cụ hữu hiệu đảm bảo cho Chỉ thị được thực hiện tốt: vai trò giám sát của người dân.
Thị ủy Giá Rai kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 12 tại phường Hộ Phòng. Ảnh: T.T
Những quán cà phê - nơi điểm hẹn của công chức, viên chức khi “ăn gian” giờ làm việc vắng khách, những buổi tiệc trưa dần trở nên xa lạ, đó là những hình ảnh đã trở nên quen thuộc trong toàn tỉnh từ khi có Chỉ thị 12. Và giờ đây, sau hơn 3 tháng ban hành, một chủ trương thể hiện tính quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc điều chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên đã bắt đầu tạo ra một sức sống riêng. Đặc biệt, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 đã được nhiều đảng ủy trao cho nhân dân nhằm có sự đánh giá trung thực và khách quan nhất. Đảng ủy thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) chọn giải pháp này với mục tiêu giúp Đảng ủy giám sát chặt chẽ thái độ, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên trên địa bàn thị trấn trong việc đảm bảo kỷ cương hành chính. Ông Trần Minh Tùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Châu Hưng, cho biết: “Khi triển khai nội dung Chỉ thị 12, Đảng ủy mời các đồng chí cán bộ hưu trí ở các ấp cùng đến dự, vừa giúp các cô chú nắm được chủ trương, chính sách mới, vừa tạo ra kênh giám sát khách quan và sát thực trong quá trình thực hiện Chỉ thị”. Cũng theo đánh giá của đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Châu Hưng, bằng việc trao quyền giám sát cho người dân như thế, cán bộ, công chức của thị trấn cũng e dè và thật sự nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện.
Không chỉ riêng thị trấn Châu Hưng, nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền nội dung Chỉ thị 12 đến nhân dân hiểu để cùng với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Kết quả là người dân không chỉ hiểu rõ mà còn tích cực góp “tai mắt” giúp cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, các quy định, quy chế làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đã có địa phương kỷ luật cán bộ, công chức từ tin báo của nhân dân. Điều này cho thấy, người dân rất quan tâm đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nếu có sự tuyên truyền sâu rộng cũng như sự ảnh hưởng của những chủ trương đó đến đời sống người dân. Ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ hưu trí phường 7, TP. Bạc Liêu cho biết: “Đến thời điểm này thì thấy cán bộ, công chức thực hiện khá nghiêm túc những yêu cầu của Chỉ thị 12, nhất là việc nhậu nhẹt, la cà bên ngoài trong giờ làm việc. Ở các chỗ tiếp dân cũng thấy cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm hơn. Mong rằng thời gian tới, những thay đổi tích cực này cũng sẽ được duy trì".
Trên thực tế, đã từng có nhiều chủ trương điều chỉnh thái độ, hành vi của cán bộ, công chức với nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuy nhiên cũng có chủ trương bị “phớt lờ” bởi thiếu tai mắt giám sát của nhân dân. Mà khi không có sự quan tâm của nhân dân thì chủ trương, chính sách sẽ khó đi vào đời sống thực tiễn. Vì vậy, với sự giám sát chặt chẽ của người dân ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, Chỉ thị 12 đang được đặt nhiều kỳ vọng vào tính thiết thực và hiệu quả cao về sau.
THANH LÂM
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ