Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Tích cực, chủ động chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp
Cuối năm nay, Bạc Liêu sẽ tiến hành Đại hội Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, để đến quý 1/2025, tổ chức điểm Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Về vấn đề này, đồng chí Hồ Thanh Thủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết:
Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã trình Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) thành lập 3 tiểu ban chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 vào ngày 19/4/2024. Tiểu ban Văn kiện có 43 đồng chí, Tiểu ban Nhân sự có 5 đồng chí, đều do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức - Phục vụ có 27 đồng chí. Đồng thời, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho BTV Tỉnh ủy lập các tổ giúp việc, xây dựng, ban hành các kế hoạch và quy chế hoạt động của 3 tiểu ban.
Đồng chí Hồ Thanh Thủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: H.T
PV: Thưa đồng chí, đối với công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Tỉnh ủy đã thực hiện như thế nào?
Đồng chí Hồ Thanh Thủy: Tỉnh ủy đã có bước chủ động chuẩn bị nhân sự Đại hội, đó là thực hiện công tác quy hoạch BCH, BTV, cán bộ chủ chốt tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, sau đó đã mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh và chỉ đạo cho Thành ủy TP. Bạc Liêu, Thị ủy Giá Rai và các Huyện ủy mở các lớp tương tự cho cán bộ quy hoạch Ủy viên BCH Đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030; điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ theo yêu cầu cơ cấu, phục vụ nhân sự Đại hội nhiệm kỳ tới.
Còn về số lượng, cơ cấu nhân sự, tỉnh còn chờ Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
PV: Quy định 144, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” có áp dụng vào công tác nhân sự khóa mới, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Thanh Thủy: Quy định đó phải đưa vào tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ khóa mới. Nói chung là phải bám sát các quy định, nghị quyết của Trung ương về tiêu chuẩn đối với cán bộ, từ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đến trình độ nghiệp vụ, tiêu chuẩn chức danh. Cán bộ khi được bổ nhiệm, ứng cử phải được rà soát, đảm bảo theo quy định.
PV: Về công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, qua hơn nửa nhiệm kỳ, đồng chí đánh giá chất lượng cán bộ như thế nào?
Đồng chí Hồ Thanh Thủy: Chất lượng cấp ủy hiện tại, các đồng chí đều đáp ứng tốt yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, BTV Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí cấp ủy khóa mới phù hợp với năng lực, sở trường, cho nên hầu hết các đồng chí được phân công đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực của tất cả các đồng chí cấp ủy đều được nâng lên; việc đào tạo cũng được liên tục, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên.
PV: Những năm gần đây, Trung ương có nhiều quy định mới về công tác đánh giá cán bộ. Những điểm mới đó tác động như thế nào đến công tác đánh giá cán bộ của tỉnh Bạc Liêu?
Đồng chí Hồ Thanh Thủy: Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức gần đây sát thực tế và thực chất hơn, có đối chiếu tiêu chuẩn, tiêu chí nói chung, đặc biệt là được đo lường bằng những sản phẩm, công việc cụ thể của từng đồng chí. Khoảng 3 năm gần đây, ngoài đánh giá cuối năm xếp loại, BTV Tỉnh ủy còn đánh giá 6 tháng đối với các đồng chí cấp ủy, cán bộ chủ chốt, do vậy xếp loại thực chất của từng đồng chí, đồng chí nào xuất sắc là xuất sắc, đồng chí nào hoàn thành tốt là hoàn thành tốt, đồng chí nào hoàn thành là hoàn thành, chứ không phải ai cũng đưa vào hoàn thành tốt hết.
PV: Trong công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Bạc Liêu có rút ra, vận dụng những bài học kinh nghiệm của công tác cán bộ những nhiệm kỳ trước?
Đồng chí Hồ Thanh Thủy: Kinh nghiệm công tác nhân sự đầu tiên là mình phải có sự chủ động trong quy hoạch cán bộ nguồn của cấp ủy nhiệm kỳ mới đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Từ đó có đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như đào tạo, bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn.
Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch, đẩy mạnh công tác luân chuyển nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để khi được bổ nhiệm, bầu vào cấp ủy khóa mới thì bảo đảm có kinh nghiệm thực tiễn.
Và cuối cùng là phải chú ý mạnh dạn đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong BCH, BTV cấp ủy.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN QUỐC (thực hiện)