Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Tin tưởng và kỳ vọng vào quyết sách của Trung ương
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII kết thúc sau 6 ngày làm việc trách nhiệm, hiệu quả, để lại nhiều dư âm phấn chấn và sâu sắc về một kỳ họp đổi mới mạnh mẽ, quyết định những việc then chốt chiến lược của Ðảng; định hướng chủ trương mới để hoàn thiện chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội, nhằm ngày càng bảo đảm tốt hơn chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Cùng với những thành quả đáng mừng về phát triển kinh tế - xã hội, sự quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay, kết quả Hội nghị đã mang lại niềm tin mới, kỳ vọng những quyết sách của Trung ương sớm đi vào cuộc sống.
MỞ RỘNG CÔNG KHAI, DÂN CHỦ
Công khai, dân chủ là chủ trương nhất quán của Ðảng từ trước đến nay, nhất là mỗi kỳ Ðại hội, nhằm phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn Ðảng, toàn dân trong hoạch định chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng đối với các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thì đây là lần đầu các nội dung quan trọng về công tác cán bộ, chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi diễn ra Hội nghị, để nhân dân theo dõi và đóng góp ý kiến.
Chưa bao giờ, trên các trang báo, các chương trình phát thanh, truyền hình ưu tiên cao nhất cho ý kiến của các nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân về ba vấn đề nêu trên như những ngày vừa qua. Trong các buổi thảo luận tại Hội trường, lần đầu báo chí được tham dự, đưa tin một cách trung thực ý kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương về từng nội dung với các góc nhìn phong phú, như nhịp cầu trực tiếp nối ý Ðảng với lòng dân. Như vậy là trước những chủ trương, quyết sách lớn của Ðảng, nhân dân được tiếp cận đa chiều hơn, được tìm hiểu, tham gia bàn bạc ngay trong quá trình hình thành.
Ba phiên thảo luận tại Hội trường về các đề án công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội diễn ra sôi nổi, nghiêm túc với nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng, nói đúng thực trạng, nhất là những yếu kém và nguyên nhân chủ quan. Mỗi đề án có khoảng gần 150 lượt đại biểu tham gia ý kiến tại thảo luận tổ và Hội trường. Trong phiên bế mạc, Bộ Chính trị có báo cáo tiếp thu, giải trình và xin ý kiến Trung ương một lần nữa để hoàn thiện. Nội dung nào cũng vậy, qua thảo luận sôi nổi, đa dạng cách đánh giá, cách nhìn, nên khi thông qua đều rất tập trung, thống nhất cao về cách đánh giá cũng như chủ trương, giải pháp thực hiện. Kết quả bầu bổ sung hai đồng chí vào Ban Bí thư, đạt số phiếu hơn 96%. Nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương khẳng định, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ngày càng dân chủ; các ý kiến thảo luận được Bộ Chính trị tiếp thu tối đa; giải trình thỏa đáng những nội dung cần nghiên cứu tiếp.
Có một điều dễ cảm nhận, là không khí tin tưởng, phấn khởi của Ban Chấp hành Trung ương thể hiện rõ trong từng buổi làm việc, mà hiệu ứng chính là kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, không ai có thể đứng ngoài. Một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, trước đây chưa chỉ ra được, gây bức xúc trong nhân dân, để lại tâm tư đối với những cán bộ liêm khiết, trong sạch, thì nay đã, đang bị đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh, dù bất kể người đó là ai. Ðiều ấy vừa nâng tầm vị thế của Ðảng, củng cố niềm tin đối với nhân dân, vừa mang lại sự công bằng, minh bạch và khích lệ cán bộ làm việc tốt hơn, trách nhiệm hơn.
BÀN VIỆC THEN CHỐT CỦA ÐẢNG, VIỆC THIẾT THỰC CỦA DÂN
Trên cơ sở gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, hầu hết các ý kiến thảo luận xoay quanh câu hỏi mà đồng chí đặt ra về những yếu kém kéo dài trong công tác cán bộ, để đi tìm câu trả lời. Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào, từ đó cố gắng chỉ ra những khâu đột phá để khắc phục? Thực tế những hạn chế, yếu kém của công tác cán bộ, tình trạng suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Không ít quy định, chính sách về công tác cán bộ bị bỏ qua, thậm chí có trường hợp bị thao túng. Mặc dù gần đây những cán bộ vi phạm, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Ðảng, cấp tướng, hay tá đều bị xử lý nghiêm minh, song dường như vẫn chưa đủ sức ngăn chặn một cách hiệu quả.
Những ý kiến tâm huyết, trăn trở của Tổng Bí thư và các đồng chí Ủy viên Trung ương, nhất là thực trạng nêu trên thôi thúc Hội nghị tìm đến cùng căn nguyên để có câu trả lời thỏa đáng cho các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Ðiểm nhấn của nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ...".
Ðánh giá cán bộ phải đúng thực chất, làm cơ sở cho quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng; khắc phục tình trạng đánh giá theo kiểu thân hữu, họ hàng, lợi ích nhóm, bè phái, cục bộ địa phương... Ðồng thời với đó là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, luân chuyển, chạy cho con, cho cháu, cho người thân có vị trí việc làm nhiều bổng lộc, nhanh thăng quan tiến chức... Như thế mới ngăn chặn được sự tha hóa quyền lực trong bộ máy cơ quan Ðảng, Nhà nước. Mọi quyền lực cần được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn ràng buộc với trách nhiệm; quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; kiên quyết hủy bỏ các quyết định sai phạm về công tác cán bộ và xử lý nghiêm mọi vi phạm.
Nghị quyết lần này đề cập vấn đề then chốt của công tác xây dựng Ðảng, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, tầm nhìn xa, trong tiến trình đổi mới của đất nước hàng thập kỷ sau, cho nên muốn thực hiện tốt, nhìn thấy kết quả cụ thể, cần có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, nói đi đôi với làm từ Trung ương đến các cấp, các ngành.
Cùng với việc bàn, quyết định vấn đề then chốt của Ðảng, Hội nghị tập trung thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, đưa ra chủ trương, giải pháp mới, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thấy rõ đây là những vấn đề liên quan sát sườn đến mọi cán bộ, công chức và người lao động, cho nên khi bàn về chính sách tiền lương, Trung ương luôn dựa trên nguyên tắc, trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực; tiền lương phải thật sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ. Tuy nhiên, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp tài chính, ngân sách, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước...
Công tác cán bộ, chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau, làm nền tảng cho xã hội ổn định và phát triển. Chính sách nào cũng vậy, trước hết phải bảo đảm sự công bằng, minh bạch, phù hợp từng điều kiện cụ thể và nền tảng đạo đức xã hội sẽ làm nên động lực mới. Chắc chắn rằng, quyết tâm của Ðảng, sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước sẽ tạo nên một khí thế mới, xung lực mới để hiện thực hóa các vấn đề mà Hội nghị Trung ương lần này đã bàn.
Theo Nhân Dân
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ