Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế: Thống nhất tư duy, linh động thực hiện
Bài 3: Những bài học từ thực tiễn
>>Bài 1: Tinh gọn bộ máy - không chỉ là phép tính cơ học
>>Bài 2: Tinh giản biên chế - đừng làm phép trừ đơn giản
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là nhiệm vụ cấp thiết, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướg tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả". Cùng với yêu cầu về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thì việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn nhân lực trong khu vực công cũng vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu quan trọng. Những mô hình, cách làm của Bạc Liêu cũng như của các tỉnh thành khác thời gian qua có thành công lẫn hạn chế nhưng đều để lại những bài học quý cần được nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất cho việc cụ thể hóa chủ trương này.
Đầu tư cho con người
Cuối năm 2018, Bội Nội vụ từng đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban) trong khi chờ đợi Nghị định mới của Chính phủ. Sau đó một năm, vào cuối năm 2019, Bộ Nội vụ lại có công văn về việc đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Thực hiện chủ trương này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm việc sáp nhập, hợp nhất một số sở ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng như tỉnh Quảng Ninh và Yên Bái đăng ký thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Tỉnh Đắk Nông hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng; Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy...
Đến nay, sau khi đề nghị tạm dừng, rồi lại đồng ý thí điểm, việc sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành đã chính thức có câu trả lời rõ ràng. Theo quy định tại Nghị định 107 năm 2020 của Chính phủ, bộ máy hành chính công vẫn có đủ tên 17 sở thống nhất ở các địa phương, chỉ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số sở. Đồng thời cũng quy định rõ về 4 sở đặc thù ở những nơi được thành lập. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Lê Vĩnh Tân từng khẳng định sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì vậy, vấn đề hiện nay là sự thống nhất về mô hình tinh gọn biên chế, được hay không được sáp nhập để các địa phương có cơ sở thực hiện. Bởi việc ban hành không kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức bộ máy đã dẫn đến tình trạng bị động, làm giảm tính đồng bộ khi triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy ở các cơ quan, địa phương.
Một bài học quan trọng khác trong việc sáp nhập sở ngành nhìn từ góc độ Bạc Liêu chính là việc đầu tư cho con người. Bộ máy nhập lại nhưng nếu con người không "hòa" vào bộ máy ấy thì hiệu quả làm việc sẽ thấp. Trong đó vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng, quyết định bộ máy sau khi sáp nhập có "chạy" một cách suôn sẻ hay không. Đối với việc tinh giản biên chế, yếu tố quyết định cho sự thành công là đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh giản. Bởi với khối lượng công việc vẫn như cũ mà nhân sự lại ít hơn, mỗi người sẽ làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập lại không tăng thì chất lượng công việc sẽ không đảm bảo. Và để đảm bảo thu nhập cũng như môi trường làm việc phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì không chỉ có sự linh hoạt của cơ quan, đơn vị đó mà còn cần nhiều hơn vai trò của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản trong quá trình phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp hoạt động.
Cán bộ Sở TT-TT quản trị, theo dõi hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Ảnh: H.T
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong điều kiện hiện nay, không phải đơn vị nào khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đều có thể xoay sở tốt nguồn thu để đảm bảo tăng nguồn thu và tuyển thêm nhân sự ngoài biên chế cho bộ máy. Vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất là ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình thực thi công vụ. Chuyển đổi số không chỉ giúp cơ quan hành chính tiết kiệm chi phí, minh bạch thông tin và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn mà còn giúp cho người đứng đầu dễ dàng kiểm soát, quản lý tốt hơn, giúp mục tiêu tinh gọn bộ máy cũng được thực hiện hiệu quả hơn. Khi chuyển đổi số, bộ máy cơ quan, đơn vị sẽ "gọn" và "tinh" hơn khi mà cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận với xu hướng làm việc hiện đại của thế giới. Nhất là trong quá trình cụ thể hóa chủ trương "tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực" mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, thì việc chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Đầu tư cho chuyển đổi số không chỉ là đầu tư về máy móc mà còn là đầu tư cho con người và mục đích cuối cùng vẫn là giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, sự nghiệp. Vì vậy, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cần phải đặt trong mối tương quan với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những giải pháp đồng bộ, những bước đi cẩn trọng, chặt chẽ nhưng đồng thời cũng phải sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo ra những đột phá là yêu cầu chung cho bài toán này. Không có một mô hình chung cho tất cả, cũng không có giải pháp nào là tối ưu nhất để áp dụng ở mọi địa phương, đơn vị. Điều quyết định cho sự thành công của công tác này chính là sự chủ động, linh hoạt cùng quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu cũng như của cả hệ thống chính trị để đồng lòng hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
Thanh Lâm
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường