Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
TP. Bạc Liêu: “Chạy nước rút” hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị loại I
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy “về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại” (gọi tắt là NQ 02), đến nay TP. Bạc Liêu đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là diện mạo đô thị ngày càng khang trang, không gian đô thị từng bước được mở rộng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít tiêu chí đạt yếu, khó đạt mà TP. Bạc Liêu đang khẩn trương “chạy nước rút” để kịp về đích đúng tiến độ.
DIỆN MẠO ĐÔ THỊ ĐƯỢC NÂNG LÊN
Đến nay, TP. Bạc Liêu đã đạt 46/59 tiêu chuẩn theo quy định đô thị loại I. Trong đó, điển hình là thành phố đã tập trung triển khai các công trình, dự án đầu tư, xây dựng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Giai đoạn 2021 - 2023, thành phố đã triển khai xây dựng và chuẩn bị đầu tư hơn 300 công trình, dự án, có những dự án mang tính động lực như: Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bạc Liêu, đến nay cơ bản hoàn thành 10 hạng mục công trình.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ các Dự án Khu dân cư Tràng An, Khu dân cư 577, Khu dân cư Hoàng Phát, Khu dân cư Nam vành đai… Đến nay, hệ thống hạ tầng thiết yếu các khu dân cư cơ bản được hoàn thiện và nâng cấp, từng bước đồng bộ. Đặc biệt là đã tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, hoàn thành Dự án đầu tư, xây dựng cống thoát nước kết hợp đường giao thông và bờ kè hai bên kênh Trà Kha - Phường 8 (tồn đọng từ năm 2017); Dự án đường Hàm Nghi (tồn đọng từ năm 2018); đường Hòa Bình nối dài (tồn đọng từ năm 2019)…
Song song đó, thành phố cũng đã xây dựng được 5 tuyến phố văn minh đô thị (đường 30/4, Lê Văn Duyệt, Hà Huy Tập, Cao Văn Lầu, Trần Huỳnh); tăng cường sắp xếp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự đô thị ở các khu vực điểm chợ, khu ẩm thực, cổng trường, bệnh viện…
Đặc biệt, Mặt trận và các hội, đoàn thể đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và người dân tham gia như: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo đất trống, vườn tạp; Thanh niên đô thị ứng xử văn hóa, hành động văn minh; mô hình “hẻm không rác”, hẻm “sáng - xanh - sạch”; tổ, câu lạc bộ “Phụ nữ mua bán hiếu khách, văn minh lịch thiệp”, mô hình chống rác thải nhựa, “trồng cây xanh, hoa kiểng liền tuyến”…
Đường 30/4 - một trong những tuyến đường kiểu mẫu của TP. Bạc Liêu. Ảnh: H.T
QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH CƠ BẢN CÁC TIÊU CHÍ
Hiện TP. Bạc Liêu còn 13 tiêu chuẩn chưa đạt điểm và 1 tiêu chí còn nợ đô thị loại II (Nhà máy xử lý nước thải). Nhưng vấn đề khó là trong đó có những tiêu chí khó đạt. Chẳng hạn như tiêu chí về dân số, quy định tối thiểu 350.000 người, trong khi hiện tại thành phố chỉ có 159.470 người. Hai tiêu chí về giao thông giảm và lệch khá xa so với quy định (quy định đường giao thông đô thị tính trên tuyến đường có mặt đường tối thiểu 14m trở lên, trong khi hiện tại đa số tuyến đường giao thông thành phố có mặt đường 7m). Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai chưa có sự đồng nhất; việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội còn chưa đảm bảo. Một số công trình, dự án đầu tư xây dựng kéo dài; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm (đường Vành đai ngoài, đường Vành đai trong) chậm tiến độ…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu - Tô Việt Thu yêu cầu: Thời gian về đích (năm 2025) không còn dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần kiên trì, quyết tâm với mục tiêu thực hiện hiệu quả NQ 02 của tỉnh, ít nhất cũng phải hoàn thành cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I. Từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị rà soát lại các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa thực hiện NQ 02 theo địa bàn, lĩnh vực, ngành phụ trách để có đánh giá, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao hơn. Khẩn trương hoàn thành dự án nâng cấp đô thị và triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư và bố trí vốn; hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai các dự án: Nhà máy xử lý nước thải, các khu dân cư, khu du lịch, dịch vụ cao cấp. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn xã hội hóa để xây dựng, phát triển đô thị. Khai thác quỹ nhà công, đất công theo kế hoạch được duyệt để tổ chức đấu giá, tạo nguồn đầu tư, phát triển đô thị.
HOÀNG UYÊN