Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số: Hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Thứ Tư, 04/05/2022 | 17:53

Để cải thiện công tác cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bạc Liêu đang thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Đây cũng là chủ trương được Đảng, Nhà nước chú trọng, mang tính chiến lược lâu dài.

Sở VH-TT-TT&DL bàn giao, tập huấn sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước tháng 4/2022.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Quan điểm, chủ trương về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ở Việt Nam được nhấn mạnh từ đầu những năm 2000, thể hiện trong các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030. Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đến năm 2019, Bộ Chính trị đưa ra một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Nghị quyết 52.

Trong xu thế đó, ngày 15/7/2021, Chính phủ có Nghị quyết 76 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, khẳng định quan điểm “đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; tận dụng có hiệu quả thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”, và khẳng định 6 nội dung cải cách hành chính nhà nước, trong đó có nội dung xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, nhưng kết quả còn khiêm tốn khi tiếp cận từ các chỉ số: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI). Mới nhất, trong bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2021 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam công bố ngày 27/4/2022, Bạc Liêu đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố (đạt 61,25/100 điểm, thuộc nhóm tương đối thấp). So với Đồng bằng sông Cửu Long thì cao hơn tỉnh Kiên Giang (hạng 60) và xếp ngay sau tỉnh Sóc Trăng (hạng 54, thuộc nhóm trung bình). Còn trong năm 2020, Bạc Liêu xếp ở vị trí 41 về chỉ số SIPAS, vị trí 46 về chỉ số PAR Index, vị trí 53 về chỉ số DTI.

Hệ thống hội nghị, tập huấn trực tuyến của Sở Y tế. Ảnh: N.Q

Nâng hạng các chỉ số

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết 12, ngày 18/12/2018 về tập trung nâng cao PCI và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định giải pháp quan trọng để “nâng hạng” PCI và các chỉ số nêu trên là thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Bước đầu tiên của hướng đi này là vào ngày 21/12/2021, UBND tỉnh đã kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh thành Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Những thay đổi cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng khi cả nước tiến vào cuộc Cách mạng công nghệp lần thứ tư. Trong quý 1/2022, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM); triển khai thực hiện việc chuyển đổi sử dụng IPv6 cho các hệ thống thông tin trong tỉnh, các hệ thống thiết bị tại Trung tâm dữ liệu tỉnh; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản của tỉnh, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã cấp 272 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức, 1.941 chứng thư số cho cá nhân, thu hồi 13 chứng thư số cá nhân do chuyển công tác, nghỉ hưu và sai thông tin…

Tuy nhiên, từ thực tiễn của tiến trình xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, Bạc Liêu đã nhận diện được một số khó khăn cần sớm tháo gỡ. Đó là nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế về chuyên môn, thiếu về số lượng, nhất là trong việc phối hợp triển khai và tổ chức quản lý, vận hành các hệ thống thông tin tại các địa phương, đơn vị. Công tác đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các địa phương, đơn vị còn chậm và chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều thiết bị CNTT đã xuống cấp, ảnh hưởng đến triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung. Người dân chưa quen với việc gửi hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet nên số lượng hồ sơ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phát sinh thấp.

Để giải quyết những khó khăn vừa nêu không thể chỉ trong ngày một ngày hai, nhưng trước mắt, trong quý 2, Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy việc cung cấp tối đa dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính dựa trên việc sử dụng dữ liệu số từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, tỉnh. Thiết lập mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và tiếp tục thực hiện Đề án phát triển ĐTTM.

Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, việc xây dựng ĐTTM phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng ĐTTM. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân. Đề án đặt ra mục tiêu đến 2025, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, quản lý đô thị tinh gọn và bảo vệ môi trường hiệu quả. Đến năm 2030, tiếp tục triển khai, khai thác, vận hành có hiệu quả kết quả thực hiện Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bạc Liêu.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.