Giảm nghèo - Việc làm

Cần những giải pháp chiến lược cho giải quyết việc làm

Thứ Hai, 12/06/2023 | 15:39

Theo điều tra và dự báo của Sở LĐ-TB&XH, đến năm 2025 dân số của tỉnh Bạc Liêu trên 939.660 người. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động khoảng 542.520 người và chiếm hơn 57% so với tổng dân số của tỉnh. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong giải quyết bài toán việc làm và hạn chế tình trạng thất nghiệp.

Cùng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhiều lao động nông thôn sẽ mất đi cơ hội việc làm, nhất là lao động ở lĩnh vực nông nghiệp.

NHIỀU THÁCH THỨC

Hiện nay, Bạc Liêu có hơn 513.060 lao động đang làm việc trong nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh. Thời gian qua, cơ cấu lao động tuy có chuyển dịch theo hướng tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm và chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế mà nguyên nhân chính là nền kinh tế của tỉnh cơ bản là thuần nông.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục chuyển dịch và phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,64%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%; dịch vụ chiếm 34,05%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ làm cho cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động lĩnh vực phi nông nghiệp.

Song, sự chuyển dịch cơ cấu này, ngoài những yếu tố tích cực cũng tạo ra hàng loạt thách thức cho tăng trưởng và phát triển bền vững, nhất là vấn đề lao động, việc làm và thu nhập. Đồng thời, dẫn đến tình trạng lúc thừa, lúc thiếu và cần những chính sách điều tiết nguồn lực mang tầm vĩ mô. Đó là việc nhu cầu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm, do tác động của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các lĩnh vực khác và dẫn đến tình trạng thiếu lao động khi đến mùa vụ.

Cùng với đó, quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp đã làm giảm bớt một lượng đáng kể diện tích đất đai cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt việc áp dụng cơ khí hóa, tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ và đẩy nông dân vào cảnh mất đất, mất việc làm do không còn diện tích để canh tác. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm giúp người lao động tìm kiếm, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động.

Dự báo giai đoạn từ nay đến 2025, mỗi năm có sẽ khoảng 14.000 người bước vào độ tuổi lao động và cung cấp một nguồn lao động dồi dào, trẻ khỏe cho nền kinh tế. Kéo theo đó là khoảng 20.000 người có nhu cầu về việc làm và đây sẽ là nguồn tài nguyên rất quan trọng cho phát triển nếu được khai thác và phát huy tốt.

Từ thực tiễn trên cho thấy, việc tổ chức đào tạo nghề mang tính “đón đầu” và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải được xem là đột phá chiến lược trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và tiên phong cho mô hình tăng trưởng ấy chính là đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng và trình độ cao. Bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có năng suất lao động, hàm lượng công nghệ và chất xám cao ngày càng lớn. Do vậy, tỷ trọng các ngành có năng suất lao động thấp giảm đi và sẽ tác động sâu sắc đến quá trình phân công lại lao động xã hội. Những lao động không đáp ứng yêu cầu của công việc dần dần sẽ bị đào thải và được thay thế bằng lực lượng lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp, năng suất lao động cao.

Vì vậy, để giải quyết mối quan hệ giữa cung và cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm và các ngành kinh tế có đủ lao động đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất, Bạc Liêu cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao năng lực cho các hoạt động dịch vụ việc làm và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin thị trường lao động…

Bạc Liêu khuyến khích và ưu tiên phát triển các khu - cụm công nghiệp nhằm giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu. Ảnh: L.D

ƯU TIÊN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Để thực hiện tốt Chương trình việc làm và phát huy, khai thác tốt thế mạnh “dân số vàng”, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh cùng các quyết định, chương trình, đề án, dự án do UBND tỉnh ban hành để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025 cho 94.000 lao động.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong tỉnh, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế so sánh, tiến tới sớm hình thành và khẳng định thương hiệu của tỉnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Song song đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài chính - ngân hàng và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đưa du lịch trở thành ngành trọng điểm của tỉnh.

Phát triển nhanh khu - cụm công nghiệp; tiếp tục bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế vào phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp. Ưu tiên phát triển các cụm liên kết công nghiệp tại các vùng có lợi thế về giao thông, địa lý, tài nguyên, lao động; trở thành động lực tăng trưởng và lôi kéo phát triển công nghiệp nông thôn. Thúc đẩy di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào đầu tư mở rộng sản xuất tại các cụm công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Trên cơ sở xây dựng nông thôn mới, phối hợp đồng bộ vấn đề giải quyết việc làm, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công…

Đẩy mạnh phổ biến kiến thức kinh doanh, phương thức làm ăn mới cho người lao động, đặc biệt là hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, ưu tiên cho các đối tượng lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…

KIM TRUNG

Thực hiện Chương trình việc làm giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu đề ra mục tiêu đến năm 2025 như sau:

Giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ cho quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của tỉnh, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh phát triển khá.

Phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm. Phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm; khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước nước ngoài theo hợp đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.