Giảm nghèo - Việc làm
Công tác giảm nghèo: Những kết quả ấn tượng
Giữa bao bộn bề, khó khăn trong những năm đầu tái lập tỉnh, công tác giảm nghèo là mục tiêu được tỉnh đặc biệt quan tâm. Xuyên suốt 18 năm qua, nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt nên đến nay công tác này đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Nếu năm 1997 tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu là 22,7%, thì đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Quảng Trọng Ninh trao vốn trợ giúp hộ nghèo. Ảnh: M.Đ |
Ngay từ những ngày đầu được “tái sinh”, xác định giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện giảm nghèo phải hướng vào những vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao như vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần: về chủ trương phải đúng trọng tâm, đúng trọng điểm; về chỉ đạo phải quyết liệt, biết khối lượng công việc, lực lượng thực hiện, thời hạn hoàn thành; về chủ trì phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo và đúng pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, để công tác giảm nghèo thật sự bền vững, các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn xóa cơ chế “cho không” chuyển sang “trao cần câu chứ không cho con cá”. Từ những bước đi đúng đắn ấy đã khơi dậy được ý chí vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo.
Trong nhiệm vụ giảm nghèo, huyện Giá Rai được xem là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này. Xác định phải tạo cho người nghèo có việc làm ổn định thì mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nghèo, vì vậy thời gian qua, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để nhận lao động là con em hộ nghèo vào làm việc với nhiều chính sách đãi ngộ. Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo việc làm, huyện còn thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, hỗ trợ miễn giảm học phí cho đối tượng là học sinh nghèo, hộ dân tộc và hộ cư trú vùng đặc biệt khó khăn; chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất... Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2014 có 1.868 hộ thoát nghèo, đạt 145,36% chỉ tiêu tỉnh giao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sáng (thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai) thuộc diện khó khăn, lại thêm bà nay ốm mai đau, nên cuộc sống rất đỗi chật vật. Nhờ sự trợ giúp sâu sát của chính quyền thị trấn, năm 2014, gia đình bà đã thoát nghèo. Bà Sáng xúc động bày tỏ: “Nhờ chính quyền hỗ trợ xây được căn nhà kiên cố nên tôi không còn thấp thỏm cảnh nước ngập hay mưa to. Thấy nhà tôi mua bán thức ăn nhưng không có điều kiện mua tủ đông để trữ đồ, năm rồi chính quyền đã tặng gia đình tôi cái tủ đông như mong ước bao năm. Thân già hay bệnh cũng được hỗ trợ bảo hiểm... Nếu không có sự giúp đỡ chân tình của chính quyền địa phương, thì có lẽ cuộc sống của gia đình sẽ còn ảm đạm chứ không được no đủ như bây giờ”.
Không chỉ có huyện Giá Rai, huyện Đông Hải cũng được xem là địa phương làm tốt công tác này. Những năm qua, Đông Hải luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền các mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình để hộ nghèo học tập và làm theo. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khơi dậy sự giúp sức của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, nhận đỡ đầu hộ nghèo để có thêm nhiều nguồn lực dành cho người nghèo. Gắn với đó là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang tính đặc thù của địa phương nhằm giúp hộ nghèo phát huy hiệu quả tiềm lực kinh tế, có điều kiện thoát nghèo và vươn lên khá giàu. “Ngoài thực hiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực xã hội thì khơi thông ý thức thoát nghèo cho hộ nghèo chính là biện pháp giảm nghèo hữu hiệu. Bởi lẽ, khi nhận thức của hộ nghèo được nâng lên thì việc chống tái nghèo mới thật sự hiệu quả và bền vững”, ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hải chia sẻ.
Với quan điểm phát huy nội lực từ bên trong, tranh thủ ngoại lực từ bên ngoài, nên công tác giảm nghèo của huyện luôn đạt mục tiêu đề ra. Theo đánh giá của UBND huyện, tính từ năm 2006 đến nay thì năm 2014 là năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo thắng lợi nhất với con số ấn tượng: 1.910 hộ.
Chi nhánh Viettel Bạc Liêu hỗ trợ con giống cho hộ nghèo. Ảnh: T.Q |
Thời gian qua, các chương trình mục tiêu giảm nghèo được tỉnh triển khai đồng bộ với các nội dung, biện pháp phù hợp đáp ứng được tình hình thực tế, giải quyết được nguyện vọng, nhu cầu bức xúc của người nghèo. Ngoài hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong lĩnh vực việc làm, phát triển thị trường lao động cũng được tỉnh chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2014, có 12.418 lao động được đào tạo nghề, 23.477 lao động được tạo việc làm, trên 5.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, trên 22.000 đối tượng được trợ cấp bảo hiểm xã hội...
Ngoài thực hiện các biện pháp giảm nghèo của tỉnh, các địa phương còn áp dụng các biện pháp giảm nghèo riêng tùy theo khả năng của mình. Nhờ đó đã đạt được kết quả như mong đợi, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Theo thống kê, tỉnh đã giảm từ 22,7% (32.479 hộ nghèo) năm 1997 xuống còn 9,39% cuối năm 2013; đến cuối năm 2014, giảm chỉ còn 4% (9.127 hộ nghèo), đạt 100% kế hoạch năm và tăng 40,3% so với năm 2013. Đối với các nguồn quỹ vận động cho công tác giảm nghèo, nếu năm 1997 - 2000 là 6,2 tỷ đồng thì đến năm 2011 - 2015, chỉ tính riêng quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội đã đạt đến 500 tỷ đồng. Đặc biệt, kể từ năm 2013, Bạc Liêu không còn hộ gia đình chính sách nghèo.
Có thể thấy, chính sự mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong việc thực hiện các biện pháp giảm nghèo đã từng bước nâng cao đời sống, tư duy cho người nghèo, từ đó công tác này đã đạt được kết cao và bền vững. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền hộ nghèo ý thức tự vươn lên, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Tiếp tục tăng cường rà soát, phân loại, tìm hiểu nguyên nhân gây ra nghèo, từ đó có những giải pháp giúp đỡ cụ thể. Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận và hưởng lợi từ các công trình này. Tận dụng các nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ phương tiện sản xuất, xây dựng các chương trình nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho hộ nghèo.
“Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo chính là bước ngoặt mới và là đòn bẩy để tỉnh thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, trong năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu giảm chỉ còn 2% hộ nghèo; dạy nghề cho 12.000 lao động, tạo việc làm cho trên 18.000 lao động; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo và cận nghèo; vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội 120 tỷ đồng...”, ông Đặng Tiến Út, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.
TÚ QUYÊN