Giảm nghèo - Việc làm
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần giải quyết “3 cái khó”
Qua 3 năm thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu khá quan trọng, mở ra nhiều hướng đi mới trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Song, vẫn còn đó vô vàn khó khăn và cần những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược hơn.
Sửa chữa máy móc phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp - nông thôn là rất cần thiết. Trong ảnh: Sửa máy suốt lúa ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.T |
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cần ưu tiên vốn cho lao động nông thôn từ nguồn quỹ giải quyết việc làm, với mục tiêu hỗ trợ và giải quyết việc làm ổn định cho gần 6.840 lao động/năm. Đây cũng là một trong những giải pháp chiến lược để thực hiện chương mục tiêu về việc làm của tỉnh đến năm 2015. |
Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua, Bạc Liêu đã nỗ lực rất nhiều trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải quyết được “3 cái khó” là: khó thu hút người học, khó tìm việc làm sau khi đào tạo và cái khó cuối cùng là không có vốn để áp dụng nghề đã học. Do vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tuy bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng vẫn trong tình trạng thiếu bền vững, còn chạy theo kế hoạch và thiếu những mô hình đào tạo mang tính đột phá. Phần lớn nghề được đào tạo vẫn là các nghề cũ, hoặc đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) hay các lớp tập huấn, chuyển giao mô hình sản xuất mới, chứ chưa có những ngành nghề mới mang tính đón đầu.
Sơ kết công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong 2 năm qua cho thấy, số lao động tham gia học nghề dưới 3 tháng và chuyển giao công nghệ, mô hình sản xuất chiếm hơn 44.270 lao động. Trong khi đó, số lao động tham gia học nghề ở các lớp trung cấp và cao đẳng nghề chỉ có khoảng 3.370 lao động.
Thực trạng này sẽ là lực cản rất lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, muốn thực hiện thắng lợi Đề án 1956 cần phải tập trung giải quyết cho được “3 cái khó”. Trong đó, phải “khẩn trương” và “đồng bộ”. Bởi, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều sở, ngành và các tổ chức, đoàn thể vẫn xem việc đào tạo nghề cho LĐNT là trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH, chứ chưa thấy đó là trách nhiệm chung cần phải phối hợp thực hiện. Muốn phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hay dịch vụ - thương mại, phải có lao động lành nghề hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần phải “quyết liệt” và xem công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng quan trọng như sự nghiệp “trồng người”. Có vậy mới tạo được nguồn lực để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong tình hình mới.
KIM TRUNG
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu
- Họp mặt đồng hương Minh Hải cũ tại TP. Hồ Chí Minh
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với Sở NN&PTNT về công tác chuẩn bị Festival nghề Muối 2025
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo Việt và 28 năm thành lập Công ty Bảo Việt Bạc Liêu
- LĐLĐ huyện Đông Hải thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra