Giảm nghèo - Việc làm
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác phối - kết hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
NHIỀU MÔ HÌNH HAY
Từ khi triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như giai đoạn 2016 - 2020, số lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề hơn 109.580 lao động (trong đó, trình độ cao đẳng: 4.254 người; trình độ trung cấp: 6.780 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 98.551 người), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 63%. Đáng ghi nhận, số LĐNT có việc làm sau đào tạo là 87.868 lao động, đạt trên 80%; số LĐNT được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất sau khi học nghề là 2.751 lao động, với số tiền trên 26 tỷ đồng và LĐNT thuộc hộ nghèo sau khi học nghề có việc làm thoát nghèo là 1.675 người...
Có thể nói, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên là do công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã xây dựng được các mô hình hay. Cụ thể, từ khi triển khai thực hiện đề án đến nay, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, nhất là cơ sở lựa chọn, xây dựng mô hình đào tạo gắn với việc làm cho người lao động. Qua thực hiện, có nhiều học viên được đào tạo và áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ có hiệu quả như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, vịt, heo, dê; kỹ thuật nuôi tôm thẻ, tôm sú; kỹ thuật nhân giống lúa; kỹ thuật nuôi cua biển; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Hay mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động theo hình thức gia công sản phẩm như: đan đát lục bình, đan dây nhựa, may dân dụng…
Ngoài ra, nhiều địa phương còn tổ chức đào tạo may công nghiệp, xây dựng dân dụng, đào tạo nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cung ứng cho doanh nghiệp và theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu, Công ty may Pinetree, Hợp tác xã xây dựng Minh Phú, các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản...). Nhìn chung, sau học nghề, nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Lao động nông thôn ứng dụng kỹ thuật mới sau đào tạo nghề phục vụ phát triển sản xuất ở huyện Phước Long. Ảnh: L.D
CẦN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt bài toán an sinh xã hội, hướng đến tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đặt ra phải có nguồn nhân lực để phục vụ. Đồng thời, đây được xác định là một trong những giải pháp và khâu đột phá để Bạc Liêu thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL. Cụ thể, trong quy hoạch và định hướng phát triển của Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và hướng đến năm 2030 là tập trung khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ tôm công nghiệp của cả nước. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện khí tự nhiên hóa lỏng) để trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng và cả nước. Ngoài ra, còn hình thành các khu, điểm du lịch tiêu biểu, kết nối các tour du lịch với các tỉnh, thành phố và xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL; tăng cường kêu gọi đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo và y tế chất lượng cao mang tầm cấp vùng…
Từ những định hướng và mục tiêu chiến lược trên cho thấy, Bạc Liêu đã và đang tăng tốc để bứt phá và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động hội nhập là cần thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, mục tiêu chung của công tác đào tạo nghề cho giai đoạn tiếp theo là tạo điều kiện cho LĐNT tham gia học nghề có sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là khu vực nông thôn.
Song song đó, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho LĐNT ở các cấp trình độ, nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, nâng thu nhập, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và thực thi công vụ của tỉnh…
TĂNG VĂN (Sở LĐ-TB&XH)
- Ngành Tư pháp Bạc Liêu: Hoạt động đổi mới, hiệu quả
- Mức xử phạt nồng độ cồn trong năm 2025
- Phân cấp UBND tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ ngày 6/1/2025
- Toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đang cất giữ
- Tổ đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri huyện Phước Long và huyện Đông Hải