Giảm nghèo - Việc làm

Đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn: Tạo sức bật cho công tác giảm nghèo

Thứ Sáu, 24/08/2012 | 15:42

Đa số lao động nông thôn ở huyện Hồng Dân là lao động phổ thông. Trong đó, lao động nữ chiếm khá đông. Năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện chỉ chiếm 32%.

Phụ nữ huyện Hồng Dân học nghề kết giỏ cườm. Ảnh: Đ.H

Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2010 - 2020), Hội LHPN huyện Hồng Dân đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ gắn với phát triển làng nghề truyền thống. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, tạo sức bật cho công tác giảm nghèo của phụ nữ vùng nông thôn sâu.

Theo chị Tô Thị Mỹ Thuận, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hồng Dân: “Được học nghề và có việc làm nên chị em ngày càng phấn khởi, thiết tha với Hội. Nhiều chị em đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. Từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 43 lớp dạy nghề với gần 1.000 phụ nữ theo học. Chị em được đào tạo nhiều ngành nghề thiết thực như may dân dụng, kết giỏ chuỗi cườm, trồng măng tây, trồng rau xanh an toàn, chăn nuôi thủy hải sản (nuôi tôm càng xanh, cá thác lác cườm, cá bống tượng)…

Xã Ninh Quới - nơi có tỷ lệ hộ nghèo và nhu cầu đào tạo nghề cao nhất trong huyện được chọn làm điểm chỉ đạo. Tại đây, rất nhiều phụ nữ đã được dạy kỹ thuật nuôi cá. Đặc biệt, sau đào tạo, có 10 hộ phụ nữ được tặng cá giống (300 con/hộ) để thực hiện mô hình và đạt hiệu quả cao. Điển hình như chị Võ Thị Kết (ấp Ngan Kè), từ 300 con cá giống, chị nuôi và thu lãi 2 triệu đồng. Sau đó, chị cải tạo ao và mở rộng nuôi thêm 800 con giống đợt 2.

Bên cạnh việc đào tạo nghề, Hội LHPN huyện còn vận động hội viên, phụ nữ tận dụng đất vườn, bờ vuông trồng rau, cải thiện bữa ăn và phát triển kinh tế gia đình, mỗi tháng cho thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng. Tiêu biểu là phụ nữ ở các xã Ninh Hòa, Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh và thị trấn Ngan Dừa. Bên cạnh đó, chị em còn thành lập và sắp cho ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ không để đất trống.

Huyện Hồng Dân còn phát huy sức mạnh từ các làng nghề truyền thống như: dệt chiếu, làm bánh tráng, bánh tằm, làm bún, trồng nấm, đan đát… Đồng thời duy trì có hiệu quả nghề thủ công mỹ nghệ làm sản phẩm từ nguyên liệu cây lục bình. Qua đó, ở các ấp Vĩnh An (xã Ninh Hòa); Vĩnh Bình, Bình Lộc (xã Vĩnh Lộc) đã giải quyết việc làm cho trên 300 phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Út, Tổ trưởng Tổ thủ công mỹ nghệ ấp Vĩnh Bình, cho biết: “Nghề thủ công mỹ nghệ giúp phụ nữ có việc làm lúc nông nhàn, cho thu nhập từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày/người”.

Từ việc phối hợp đào tạo nghề gắn với phát triển làng nghề truyền thống, huy động vốn nội bộ, tín chấp ngân hàng cho vay vốn… đã giúp nhiều chị em tăng thu nhập đáng kể. Năm 2011, với trên 2.000 lao động nữ được giải quyết việc làm, đã có 289 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 15,9%.

Năm 2012, Hội LHPN huyện Hồng Dân tích cực giúp đỡ hộ nghèo phụ nữ làm chủ hộ bằng nhiều hình thức, phấn đấu cuối năm thoát nghèo thêm 193 hộ. Đến thời điểm này, Hội đã xây dựng được 426 tổ hùn vốn với số tiền trên 600 triệu đồng. Ngoài các nguồn vốn tự huy động trong chị em, các cấp Hội còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị em vay để phát triển kinh tế gia đình (gồm 3.114 hộ vay với tổng số vốn trên 39 tỷ đồng).

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ thời gian qua đã được Hội LHPN huyện Hồng Dân thực hiện tích cực. Đây sẽ là tiền đề để những phụ nữ vùng nông thôn từng bước thoát ra cuộc sống nghèo khó.

Thanh Hải

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.