Giảm nghèo - Việc làm
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm
Thời gian qua, Bạc Liêu rất chú trọng xây dựng, thực hiện các giải pháp đột phá trong đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển. Qua đó, giúp người lao động (NLĐ) tìm được việc làm ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Kết hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Cùng với chủ trương giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Phước Long xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ngoài việc đào tạo nghề từ các cơ sở tư nhân nhỏ ở các địa phương, UBND huyện tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) thông qua việc tranh thủ các nguồn vốn từ nguồn ngân sách, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề và nguồn huy động từ các tổ chức kinh tế, cũng như lồng ghép với các chương trình, đề án (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống…).
Mặt khác, tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của NLĐ, từ đó xây dựng các chính sách phát triển đào tạo nghề cho LĐNT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của huyện, cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tham gia dạy nghề cho LĐNT.
Qua tổ chức mở gần 40 lớp dạy nghề/năm, hầu hết các ngành nghề được đào tạo đều liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ngoài hơn 1.100 lao động được cấp chứng chỉ đào tạo thì còn có hàng ngàn lao động của huyện Phước Long được truyền nghề rất hiệu quả. Việc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn không chỉ giúp nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất nông sản chất lượng cao (lúa, tôm, cua…) có thể vươn xa ra thị trường trong, ngoài nước mà có không ít người dân đã vận dụng kiến thức để nâng cao nguồn thu nhập từ chính ao nuôi, thửa ruộng, mảnh vườn, trang trại, cơ sở kinh doanh của chính mình. Đồng thời, khi chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, phù hợp với thị trường lao động cũng góp phần giải bài toán việc làm cho 4.000 lao động địa phương (đạt 105% kế hoạch đề ra).
Lớp dạy nghề đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng cây năn tượng ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: T.T
Chuyển biến tích cực
Thông qua các nghị quyết, chương trình, đề án, chỉ thị... nhằm đẩy mạnh, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực có kỹ năng nghề. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp được nâng lên; cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đã được bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thị trường sử dụng lao động cả nước. Chỉ trong năm 2023, Bạc Liêu đã sử dụng trên 35 tỷ đồng từ nguồn kinh phí địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng ngàn LĐNT, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…
Đặc biệt, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đều chú trọng đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp cho người học nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và của doanh nghiệp. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường cao đẳng có sự chủ động áp dụng chuyển đổi số trong đào tạo; liên hệ, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho học sinh - sinh viên thực tập tại công ty, doanh nghiệp và tuyển dụng sau tốt nghiệp, khóa đào tạo vào làm việc; đào tạo theo địa chỉ sử dụng của đơn vị và nhu cầu thực tế của xã hội. Từ đó, có một số ngành nghề đào tạo tỷ lệ có việc làm đạt từ 80 - 90% như: điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, xây dựng dân dụng, kỹ thuật tiện, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa xe gắn máy, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác đào tạo nghề như: một số ngành nghề đào tạo cho LĐNT chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa được chú trọng, nhiều nơi còn thiếu và lạc hậu; chương trình, giáo trình đào tạo chưa thật sự đổi mới, sát và phù hợp với thực tế công việc sau đào tạo; một bộ phận LĐNT sau học nghề chưa áp dụng được kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào sản xuất - kinh doanh… Những bất cập này ngành chức năng, các địa phương đã nghiêm túc nhìn nhận, phân tích và chủ động xây dựng những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Hoàng Uyên
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024