Giảm nghèo - Việc làm
Đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế, xóa đói giảm nghèo. Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ tuyên truyền, vận động đến hỗ trợ NLĐ tiếp cận các chính sách ưu tiên.
Lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp thực hiện ký giao kết 3 bên. Ảnh: T.T
Tín hiệu vui, khởi sắc
Sau nhiều năm không đạt chỉ tiêu tỉnh giao (mỗi năm đưa ít nhất 300 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) thì liên tục năm 2022 - 2023, với sự nỗ lực của ngành chức năng, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, hội, đoàn thể, Bạc Liêu đã tạo nên sự chuyển biến hết sức tích cực cho thị trường lao động ngoài nước. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh đã có hơn 350 lao động xuất cảnh sang làm việc tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., đạt 117% so với kế hoạch năm và tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Trên đà tăng trưởng, năm 2023 vừa qua, Bạc Liêu tiếp tục vượt kế hoạch với hơn 480 lao động xuất cảnh, đạt trên 160 kế hoạch năm, tăng trên 49% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được kết quả phấn khởi này, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi, đảm bảo đủ các điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đẩy mạnh mô hình tuyên truyền, vận động theo cụm tại các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, với vai trò của mình, Trung tâm DVVL tỉnh cũng đã tổ chức phối hợp với các đơn vị, công ty tư vấn cho NLĐ nắm rõ thông tin về các thị trường lao động nước ngoài, nhất là thị trường có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Cụ thể, trong năm 2023, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm; tổ chức 8 cụm tư vấn tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các trường học, hội, đoàn thể tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn cho học sinh - sinh viên... Qua đó có hơn 4.000 lượt người và hàng trăm doanh nghiệp, công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động hoặc tham gia trực tiếp, hoặc ủy thác tuyển dụng.
Nâng chỉ tiêu, quyết tâm đạt được
Theo kế hoạch năm 2024, Bạc Liêu đã nâng chỉ tiêu đưa từ 300 lên 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt được chỉ tiêu này là một thách thức không nhỏ, vì vậy ngành chức năng đã xây dựng các giải pháp đồng bộ với quyết tâm thực hiện từ đạt đến vượt chỉ tiêu được giao.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị tiếp tục ký giao kết thực hiện công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa 3 bên gồm: Sở LĐ-TB&XH; đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các công ty đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 7 huyện, thị xã, thành phố và 19 doanh nghiệp. Các đơn vị đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch rất cụ thể; nhiều đơn vị còn đề ra nghị quyết, chỉ thị chuyên đề… Theo giao kết, cả 3 bên phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu tỉnh giao (500 lao động xuất cảnh); bảo đảm mức lương, thu nhập cho NLĐ theo quy định… Đồng thời cũng quy định rõ: nếu công ty đã tham gia giao kết 3 bên nhưng chưa tích cực phối hợp, hoạt động chưa tốt và trong 9 tháng không đưa lao động nào đi làm việc được thì Sở LĐ-TB&XH sẽ hủy bỏ biên bản cam kết; rút lại văn bản chấp thuận của Sở và hợp đồng giữa Trung tâm DVVL tỉnh với công ty đó.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng sẽ nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, đi sâu vào vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Với phương châm tuyên truyền, tư vấn “mưa dầm thấm lâu” nhằm giúp người dân có những thay đổi trong nhận thức và hiểu kỹ hơn về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, công tác dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, coi đây là động lực quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho NLĐ và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
Hoàng Uyên
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Đại diện doanh nghiệp có ý kiến tháo gỡ khó khăn về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: T.T
Để thực hiện đạt chỉ tiêu tỉnh giao tăng cao so với năm trước là đưa 500 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa 80% lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua Trung tâm DVVL tỉnh, tại các hội nghị tổng kết, đánh giá, hội nghị ký giao kết 3 bên…, ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đã thảo luận, bàn bạc đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại.
Lãnh đạo ngành chức năng (Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm DVVL tỉnh) cho biết thực tế số lao động đi làm việc ở nước ngoài không qua Trung tâm DVVL tỉnh hiện còn rất nhiều. Cụ thể, năm 2023 có 340/483 lao động đã xuất cảnh thông qua môi giới bên ngoài hoặc người thân, người quen giới thiệu. Nhưng thực tế cũng chứng minh, bên cạnh việc rủi ro rất thấp, số lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua Trung tâm DVVL tỉnh còn được tiếp cận dễ dàng các chính sách hỗ trợ của tỉnh (theo Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh hỗ trợ chi phí không hoàn lại, chi phí một phần… cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách), chi phí cũng thấp hơn…
Bàn về bất cập trên, theo đề xuất của lãnh đạo TX. Giá Rai thì các công ty, doanh nghiệp đã ký kết với tỉnh cần phát triển cộng tác viên năng lực và có chính sách tốt để họ tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân tốt như các công ty môi giới hiện nay. Lãnh đạo huyện Hồng Dân thì cho rằng, số hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh giảm dần, trong khi lao động thuộc diện khó khăn cũng còn nhiều nhưng không rơi vào diện hộ nghèo, cận nghèo thì lại không có được những chính sách ưu đãi về hỗ trợ vốn tốt nhất. Do đó, huyện đề xuất tỉnh linh động mở rộng đối tượng hỗ trợ trong thời gian tới. Trong khi đó, huyện Phước Long cũng đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành chức năng, địa phương để thực hiện công tác sàng lọc lao động có chất lượng, tránh trường hợp lao động đã tham gia học ngoại ngữ, học nghề rồi nhưng lại bị trả về…
Đàm Nguyễn
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024