Giảm nghèo - Việc làm
Đẩy mạnh truyền thông trong công tác giảm nghèo
Qua tổng kết công tác giảm nghèo mới đây cho thấy, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Đồng thời, tạo nên phong trào thi đua trong công tác giảm nghèo, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, gương điển hình và hướng đến giảm nghèo bền vững.
Ông Quảng Trọng Ninh (bìa trái), Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao vốn hỗ trợ cho hộ nghèo TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO HỘ NGHÈO
Bài học kinh nghiệm trong nhiều năm qua là muốn làm tốt công tác giảm nghèo thì phải nâng cao nhận thức cho hộ nghèo. Và chỉ có làm tốt công tác này thì các chương trình, chính sách hỗ trợ khác mới phát huy hiệu quả. Đơn cử như trong việc hỗ trợ phương tiện, cho vay vốn, nếu hộ nghèo nhận thức đây là vốn cho không, hoặc đó là trách nhiệm của Nhà nước phải làm mà không nỗ lực phấn đấu, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cộng đồng, thì chắc chắn sẽ khó thoát nghèo.
Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông trong giảm nghèo, thời gian qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông và các ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, người dân và dòng họ, thân tộc của hộ nghèo, phổ biến những kinh nghiệm hay trong các hoạt động giảm nghèo, giới thiệu những mô hình, gương điển hình về giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng và tuyên dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác này.
Trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã mở gần 50 lớp tập huấn, truyền thông nhóm nhỏ đến hộ nghèo và cận nghèo trong tỉnh với hơn 2.450 cán bộ cơ sở, khóm, ấp và người nghèo tham dự; cấp phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền. Một việc làm tích cực trong công tác truyền thông là có sự đầu tư về chất lượng thông tin, cách tổ chức sinh hoạt và tạo nên sức lan tỏa lớn. Nếu như trước đây, các tờ rơi tuyên truyền chỉ tập trung ở các chính sách, chủ trương, thì nay còn giới thiệu các mô hình sản xuất, hướng dẫn cách làm, cách sử dụng phương tiện, nguồn vốn hỗ trợ sao cho hiệu quả. Đặc biệt là giới thiệu những gương người thật - việc thật ở từng địa phương để các hộ nghèo khác liên hệ, học tập, xem đây là động lực, niềm tin, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Các hộ nghèo được giải quyết việc làm tại cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: K.T
NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn khoảng 5.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,88% và 6.900 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,48%. Trong đó, huyện Đông Hải có tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 25,62% (năm 2010) giảm xuống còn 9,3% (năm 2015); kế đến là TX. Giá Rai (từ 19,58% giảm xuống còn 4,9%); huyện Hòa Bình (từ 20,95% giảm xuống còn 6%); đặc biệt là TP. Bạc Liêu, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,9%.
Đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, tạo thành phong trào hành động cách mạng có sức lan tỏa lớn. Qua đó, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, cộng đồng trách nhiệm trong việc chung tay, góp sức cùng chăm lo cho hộ nghèo.
Điển hình như huyện Đông Hải đã làm tốt công tác kết hợp giữa đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với vốn đầu tư cho hộ nghèo; phát huy các thế mạnh về kinh tế biển thông qua nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ nghề biển, xuất khẩu lao động…
Một điều đáng ghi nhận khác, công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã thu hút được sự tham gia và tích cực đóng góp của toàn xã hội. Các phong trào Ngày Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các phong trào của các Hội, đoàn thể cấp tỉnh đã thu hút đông đảo sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, từ việc phân công nhận đỡ đầu hộ nghèo, các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng vận động hơn 83 tỷ đồng để hỗ trợ 27.678 lượt hộ nghèo.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm và chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện. Đó là tiếp tục triển khai, quán triệt đến các cấp, các ngành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Xác định rõ trách nhiệm, chủ động thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và sự phân công, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là bố trí cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác giảm nghèo cơ sở; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận người dân, nhằm làm chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo. Lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội, gắn kết chương trình, dự án khác với chương trình mục tiêu giảm nghèo. Công tác giải ngân nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phải được gắn liền với việc phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn, gắn công tác tập huấn khuyến nông - lâm - ngư, đào tạo nghề, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho hộ nghèo. Thực tế cho thấy, sự giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng là rất quan trọng, đem lại hiệu quả cao và thiết thực.
TÚ ANH