Giảm nghèo - Việc làm

Giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Thuận lợi và thách thức

Thứ Tư, 26/09/2018 | 16:50

Một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội là làm tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực và xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trong thực hiện giảm nghèo bền vững, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bạc Liêu.

Đào tạo nghề cho công nhân tại Nhà máy may Vinatex. Ảnh: H.L

GIẢM NGHÈO VƯỢT CHỈ TIÊU ĐỀ RA

Một trong những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch trong nửa nhiệm kỳ qua là công tác giảm nghèo. Sơ kết nửa nhiệm kỳ cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5%/năm (chỉ tiêu nghị quyết là giảm 2%/năm). Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ trong việc chung tay giúp đỡ hộ nghèo và kiên quyết không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau.

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra từ công tác này là nhờ huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo từ các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện xã hội và cả sự đóng góp, san sẻ yêu thương từ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân… Gần 3 năm qua, toàn tỉnh đã vận động đóng góp trên 202 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã đầu tư xây cầu nông thôn, xây trường học, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, cất nhà tình thương cho hộ nghèo…

Đặc biệt, cùng với huy động nguồn lực đầu tư, Bạc Liêu đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Đó là chính sách cho vay tín dụng ưu đãi để xây và sửa chữa nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, nhất là miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; chính sách chăm sóc sức khỏe, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn ấp, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển có điều kiện khám và điều trị bệnh thông qua việc hỗ trợ 100% mệnh giá mua bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ tiền điện, tặng quà tết và các chính sách đặc thù khác với tổng kinh phí trên 651 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các ban ngành và các tổ chức đoàn thể trong việc nhận giúp đỡ và tạo sinh kế cho hộ nghèo.

Sự chung sức trên đã làm cho tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu đầu nhiệm kỳ toàn tỉnh hơn 30.850 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%, thì đến nay toàn tỉnh đã giảm 13.639 hộ nghèo, tương đương giảm 7,13%. Số hộ nghèo hiện còn 17.216 hộ, tỷ lệ 8,42%. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.

CẦN TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CHO ĐÀO TẠO NGHỀ

Để phát huy hiệu quả giảm nghèo và hướng đến giảm nghèo bền vững, cần làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức điều tra, rà soát, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động hàng năm. Tranh thủ, đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực dạy nghề của tỉnh, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập nhằm góp phần phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học nghề của người dân. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GD-ĐT tuyên truyền, tư vấn, phân luồng học sinh nhằm nâng cao nhận thức và thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên tham gia học nghề. Triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề và cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào Bạc Liêu. Tăng cường công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động thông qua hỗ trợ lập dự án vay vốn tự tạo việc làm tại chỗ và tư vấn, giới thiệu người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động sau học nghề… 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 40.347 người, trong đó: đại học 3.126 sinh viên, cao đẳng 2.403 sinh viên, trung cấp 3.654 học viên, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 31.164 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,64% và dự kiến đến cuối năm 2018 đạt 52,08%.

So với công tác giảm nghèo, công tác đào tạo nghề dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn và khó hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt 63% vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Nguyên nhân là do phần lớn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư thiếu đồng bộ, còn chắp vá, hoặc chưa được đầu tư (tạm thời sử dụng trụ sở làm việc cũ, không đúng công năng của cơ sở dạy nghề); chương trình đào tạo chậm đổi mới nên chưa đáp ứng xu hướng phát triển, hội nhập và nhu cầu của người lao động. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhất là thị trường đòi hỏi lao động có trình độ kỹ thuật cao và tay nghề giỏi.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn chậm phân bổ và giảm qua từng năm; chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn có những mặt còn hạn chế. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn…   

Để hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt 63% vào năm 2020, cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư, thay đổi mô hình, hình thức đào tạo. Làm tốt công tác này sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho công tác giảm nghèo, đồng thời tác động tích cực đến việc phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.