Giảm nghèo - Việc làm
Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020
* Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
(BL-TQ) Ngày 15/10/2016, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: T.Q
Tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu, có đồng chí Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng thu nhập của các các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.
Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.
Tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành đã phát biểu tham luận chia sẻ những mô hình hay và những khó khăn trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Từ kết quả đạt được, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng khẳng định: Công tác xóa đói, giảm nghèo là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, những nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã quan tâm cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức trong công tác giảm nghèo, như: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, thu nhập của đồng bào DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước. Nhiều chủ trương về chính sách giảm nghèo triển khai chưa tốt, chưa sáng tạo để thực hiện hiệu quả; hạ tầng, dân trí nhiều nơi vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; chính sách giảm nghèo còn chồng chéo...
* Dịp này, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Để thực hiện tốt phong trào này,Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng về tiêu chí, yêu cầu nội dung thoát nghèo bền vững; tạo sự đồng tâm, hiệp lực toàn xã hội. Tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo và quan tâm đến người nghèo; tinh thần tự thân, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo để vươn lên làm giàu chính đáng.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ LĐ-TB&XH cùng với các bộ, ngành và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có kế hoạch thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần chú trọng đến công tác tuyền thông; nâng cao dân trí, năng lực con người để thoát nghèo bền vững; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo; phải tính toán phát triển bền vững, không để xảy ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân…
Thủ tướng cũng đề nghị Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian tới.