Giảm nghèo - Việc làm
Huyện Đông Hải: Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững
Một trong những thành tựu quan trọng của huyện Đông Hải trong 5 năm qua là làm tốt công tác giảm nghèo. Tuy nguồn lực có hạn, hộ nghèo còn khá nhiều, nhưng Đông Hải đã tranh thủ, huy động và phát huy nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái cùng chăm lo cho hộ nghèo.
TẬP TRUNG CHO CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO
Năm 2014 huyện Đông Hải còn hơn 4.840 hộ nghèo và 1.900 hộ cận nghèo, xếp vào địa phương có hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hải xác định phải dồn sức cho công tác giảm nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo được thành lập và giao đồng chí Trần Minh Chiến, Phó Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Đồng thời tập trung phát huy nội lực, ngoại lực thông qua kêu gọi giúp đỡ từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và các ban ngành, đoàn thể của huyện.
Lao động nghèo làm việc ở cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Lâm Hỷ |
Từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 15.095 lượt hộ nghèo vay, với tổng số tiền hơn 208 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh, huyện, xã, thị trấn và các ấp đã giúp đỡ, hỗ trợ 5.268 hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mở 243 lớp tập huấn kỹ thuật với trên 7.500 lượt người tham gia; mở 107 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng số 3.572 học viên, và lao động sau đào tạo có việc làm đạt trên 70%... Ngoài ra, huyện còn vận động cán bộ, công chức, các tổ chức, người hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ, qua đó đã đóng góp quỹ Vì người nghèo - An sinh xã hội hơn 21 tỷ đồng...
Qua 5 năm thực hiện chính sách giảm nghèo, toàn huyện đã có 4.965 hộ thoát nghèo. Điều đó đã phản ánh sinh động sự quyết tâm của Đảng bộ và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo.
NHIỀU MÔ HÌNH HAY
Cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, huyện Đông Hải còn xây dựng nhiều mô hình hay, hướng đến thoát nghèo bền vững. Đặc biệt là phát huy trách nhiệm, tinh thần chăm lo cho hộ nghèo từ cán bộ, đảng viên. Điển hình như ông Nguyễn Văn Ngàn, Trưởng ấp Thạnh Trị (xã Long Điền, huyện Đông Hải). Ông Ngàn được coi là đầu mối trong việc giúp người nghèo tìm việc làm. Đến nay, ông Ngàn đã giới thiệu và hướng dẫn cho 17 lao động của ấp đi xuất khẩu lao động tại Ma-lai-xi-a với mức lương từ 9 - 18 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi năm ông Ngàn còn giới thiệu cho trên 250 lượt người làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những lao động được ông Ngàn giới thiệu đều gửi tiền về phụ giúp gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với giới thiệu việc làm, huyện Đông Hải còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng rẫy ở ấp Bửu Đông (xã Long Điền Đông), mô hình nuôi tôm sú thâm canh - bán thâm canh tại xã Long Điền, mô hình nuôi dê ở xã An Phúc...
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Hải lần thứ XII, từ nay đến năm 2020, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất; tạo việc làm, đào tạo nghề, đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Phân công các ban ngành huyện và các xã, thị trấn nhận đỡ đầu hộ nghèo gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh…
TRƯƠNG QUỐC
Những giải pháp để công tác giảm nghèo có hiệu quả ở huyện Đông Hải
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác giảm nghèo. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tiếp tục kiện toàn, nâng cao trình độ cán bộ chuyên trách cho công tác giảm nghèo ở các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách ở cấp xã. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Huy động tối đa và tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển, đặc biệt coi trọng chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức gắn với giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài nước. Ưu tiên nhóm hộ gia đình thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro gây nên.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo.
Xây dựng mô hình điển hình về làm ăn kinh tế đạt hiệu quả cao và mô hình giới thiệu lao động, việc làm trong và ngoài tỉnh. Lấy ấp Thạnh Trị (xã Long Điền) làm điểm điển hình về xuất khẩu lao động.
Tiếp tục khuyến khích, ưu tiên, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tranh thủ sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh xuống Đông Hải đỡ đầu hộ nghèo. Vận động, tuyên truyền hộ nghèo có lòng tự trọng, không ỷ lại, tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo...
K.T. (tổng hợp)