Giảm nghèo - Việc làm
Huyện Hòa Bình: Người dân tộc Khmer học nghề để thoát nghèo
Nhờ đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956/QĐ-TTg, huyện Hòa Bình đã giúp nhiều lao động người dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những người ít đất sản xuất, học nghề là để có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Chị Sơn Thị Vĩnh Na hành nghề may tại nhà sau khi được đào tạo nghề. Ảnh: P.Đ |
Có được những thành quả đó là nhờ huyện Hòa Bình không ngừng đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 2 lớp dạy nghề cho hơn 60 học viên. Nhóm nghề phi nông nghiệp được nhiều LĐNT theo học. Theo kế hoạch, năm 2015, huyện sẽ mở 7 lớp học nghề với hơn 200 học viên.
Năm 2015, bên cạnh công tác đào tạo nghề, huyện còn tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 2.100 lao động. Đặc biệt, với những lao động được cấp tín chỉ sau khi học nghề đều có thể tự mở cơ sở hoặc được giới thiệu việc làm ở các địa phương khác. Nhờ làm tốt khâu giải quyết việc làm sau đào tạo nên huyện thu hút được nhiều học viên khi mở lớp. Ông Thạch Quyền, Trưởng ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hậu - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương, cho rằng: “Nhờ nhiều người sau khi học nghề có công ăn việc làm, nên những người khác cũng muốn học nghề. Từ đó, việc vận động, tuyên truyền bà con tham gia các lớp đào tạo nghề gặp nhiều thuận lợi. Bà con đã ý thức được học nghề là để phát triển kinh tế”.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng công tác đào tạo nghề của huyện Hòa Bình cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Lê Minh Đầy, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện: “Khó khăn nhất là đối với các hộ chỉ có 1 lao động chính. Nếu lao động này học nghề thì nguồn thu nhập của gia đình coi như bị mất. Do đó, việc nâng cao mức hỗ trợ người học nghề là rất cần thiết. Hiện nay, mức hỗ trợ 15.000 đồng/ngày/học viên là rất thấp”.
Trước những khó khăn trên, công tác đào tạo nghề rất cần sự chung sức của các ngành, các cấp. Bởi lẽ, khi việc dạy nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả thì ngày càng có nhiều người vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo của địa phương.
Phạm Đoàn