Giảm nghèo - Việc làm
Huyện Hồng Dân: Làm tốt công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer
Hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất và đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo là một trong những công tác được huyện Hồng Dân đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, năm 2013, huyện có hơn 680 hộ dân tộc Khmer thoát nghèo.
Hướng đến thoát nghèo bền vững
Hồng Dân là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (hơn 3.190 hộ). Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con Khmer phát triển kinh tế, nên nhiều hộ đã vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ ông Danh Chel ở ấp Đầu Sấu Tây (xã Lộc Ninh). Gia đình ông chỉ có 2 công đất sản xuất, vì vậy cuộc sống chủ yếu dựa vào việc làm thuê, làm mướn. Với số tiền công lao động chưa đến 100 ngàn đồng/ngày, những tưởng cái nghèo sẽ đeo bám mãi. Nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ nhà tình thương và vốn, con giống phát triển sản xuất, đến nay, kinh tế gia đình ông đã khá giả hơn trước. Năm qua, gia đình ông được công nhận thoát nghèo. Ông Danh Chel vui mừng cho biết: “Trước đây, khi thì tôi làm phụ hồ, khi thì đi đào đất mướn, công việc vất vả mà thu nhập chẳng có bao nhiêu. Được Nhà nước giúp vốn, gia đình tôi đã nuôi thành công 1 đợt heo và đang có kế hoạch tái đàn nuôi tiếp. Hiện nay, tôi vẫn đi làm phụ hồ, còn vợ tôi ở nhà chăn nuôi, trồng nấm rơm, hoa màu, nên cuộc sống đã ổn định”.
Bà Thị Siêng vợ ông Danh Chel (ấp Đầu Sấu Tây - xã Lộc Ninh) chăm sóc mô hình trồng nấm rơm của gia đình. Ảnh: P.Đ |
Không ngừng chăm lo cho hộ nghèo
Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Dân, năm qua, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã tập trung nhiều giải pháp cho công tác giảm nghèo như: huy động mọi nguồn lực, nhất là vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội; tổ chức trao phương tiện, vốn, giống sản xuất cho hộ nghèo; chú trọng đến công tác đào tạo nghề; giải quyết việc làm; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; xây dựng nhà ở, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ kịp thời các chính sách an sinh xã hội…
Cụ thể, huyện đã tạo điều kiện cho hơn 190 hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo bằng việc cấp gần 11.000 thẻ bảo hiểm với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Xây dựng 15 căn nhà tình thương giúp bà con nghèo có nơi ở ổn định. Nhằm giúp các hộ gia đình dân tộc Khmer nghèo có nghề nghiệp ổn định, huyện cũng đã mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Theo Trung tâm Dạy nghề huyện, trong 3 năm qua (từ 2011 - 2013) huyện đã đào tạo nghề cho gần 500 học viên đồng bào dân tộc Khmer. Phần lớn các học viên sau khi được học nghề đều có việc làm ổn định.
Ông Dương Thanh Văn, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: “Trong năm qua, huyện đã nỗ lực làm tốt công tác giảm nghèo, đặc biệt là với đồng bào dân tộc Khmer. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện nay chỉ còn ở mức 3,13%. Công tác giảm nghèo của huyện trên cơ bản đã thực hiện theo hướng giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo. Ngay từ đầu năm 2014 này, huyện cũng đã tiếp tục trao vốn và phương tiện sản xuất để hỗ trợ người nghèo xây dựng các mô hình kinh tế”.
Phạm Văn
- Tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại xã Vĩnh Thịnh
- Huyện Phước Long: Tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2024
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, chúc tết vùng căn cứ huyện Đông Hải
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Cần nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nằm trong chuỗi sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
- Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu bị bắt