Giảm nghèo - Việc làm

Huyện Phước Long: Giải pháp mới cho thoát nghèo bền vững

Thứ Sáu, 21/06/2013 | 16:01

Từ thực tiễn công tác giảm nghèo ở huyện Phước Long cho thấy, việc tạo điều kiện cho người nghèo có nghề, có phương tiện để lao động, sản xuất là giải pháp bền vững nhất. Vì vậy, huyện Phước Long đã ban hành Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI về giảm nghèo, giải quyết việc làm bền vững, giai đoạn 2013 - 2015.

Huyện Phước Long hỗ trợ vốn cho hộ nghèo để giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: K.T

Cuối năm 2012, huyện Phước Long còn 3.728 hộ nghèo với 14.078 người nghèo, chiếm tỷ lệ 11,6% tổng số hộ dân trên địa bàn huyện. Trong đó, có 2.755 hộ với 8.870 lao động thuộc diện hộ nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, tập trung ở các xã Vĩnh Phú Đông, Hưng Phú, Vĩnh Phú Tây, Phước Long… Đây chính là điều kiện thích hợp để đề án phát huy hiệu quả. Bởi việc hỗ trợ phương tiện để người nghèo có công ăn việc làm sẽ thiết thực hơn so với việc hỗ trợ vốn trực tiếp như trước đây.

Theo đề án, đối tượng chủ yếu là các hộ nghèo thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nhưng có sức lao động; hội viên Hội Cựu chiến binh nghèo và các chủ hộ nghèo lao động nữ. Tại các xã, thị trấn, hộ nghèo được khuyến khích tham gia câu lạc bộ (CLB) dịch vụ lao động (DVLĐ). Mỗi xã, thị trấn sẽ có 1 CLB DVLĐ. Mỗi CLB DVLĐ sẽ có từ 2 - 4 tổ DVLĐ và toàn huyện sẽ có 21 tổ. Trong các CLB DVLĐ, người nghèo sẽ được hỗ trợ các phương tiện sản xuất như máy cày, máy xới, máy suốt, máy bơm nước, máy cưa, máy cắt cỏ, bàn ghế, rạp sắt… để tạo công ăn việc làm cho bà con. Hiện nay, huyện đã thành lập 1 CLB DVLĐ tại xã Vĩnh Thanh và đã trang bị các phương tiện gồm 2 máy xới, 2 máy cưa, 1 phà, 1 máy khoan, 6 rạp đám cưới và 22 bộ bàn ghế với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng để bà con kinh doanh dịch vụ, sản xuất.

Ông Nguyễn Chung Kết, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Long, nói: “Đây là một cách làm mới trong công tác giảm nghèo của huyện. Đề án không chỉ tạo công ăn việc làm cho người nghèo mà còn định hướng đến việc thoát nghèo bền vững và làm giảm nguy cơ tái nghèo”.

Song song với việc thành lập các CLB DVLĐ là các chương trình đào tạo nghề để người nghèo có việc làm ổn định, tạo nguồn thu nhập. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 6 lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 với 180 học viên theo học, nguồn kinh phí giải ngân hơn 190 triệu đồng, gồm các nghề như: sửa xe, may dân dụng, kỹ thuật xây dựng cơ bản… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở thêm 2 lớp với kinh phí đào tạo hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, thực hiện theo nội dung đề án, mỗi hộ cựu chiến binh nghèo còn được hỗ trợ vốn vay 3 triệu đồng để có điều kiện làm kinh tế. Bên cạnh đó, mô hình đảng viên đỡ đầu hộ nghèo được phát động để tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Đề án mà huyện Phước Long đang triển khai là một hướng đi mới trong công tác xóa nghèo. Các CLB DVLĐ sẽ tập trung được sức lao động của người nghèo nhưng thiếu phương tiện sản xuất. Đề án thực hiện không chỉ giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng thương mại - dịch vụ.

Phạm Văn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.