Giảm nghèo - Việc làm
LÀM TỐT CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm (ĐTN, GQVL) được xác định là một trong những trụ cột và giải pháp hàng đầu trong thực hiện tốt chính sách an sinh. Do vậy, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tốt với các ngành, địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tập trung làm tốt công tác này.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Để nâng cao nhận thức cho người lao động (NLĐ) về ý nghĩa của công tác ĐTN, GQVL và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời triển khai, phổ biến chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm các chính sách hỗ trợ ĐTN, GQVL bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị triển khai các chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thúc đẩy phát triển GDNN, tạo việc làm bền vững và nâng cao hiệu quả công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự...
Bên cạnh đó, còn tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động GDNN, việc làm và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp tổ chức truyền thông, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững. Tổ chức Ngày hội việc làm, sàn, phiên giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, cố định, lưu động. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên báo, đài. Cung cấp các tài liệu, nội dung, sổ tay, cẩm nang, tờ rơi về những quy định, chính sách về hỗ trợ ĐTN, GQVL, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến các cơ sở GDNN, cơ sở tham gia đào tạo nghề, các cơ quan liên quan, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, đến học sinh - sinh viên, NLĐ…
Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhận thức của xã hội, nhất là học sinh - sinh viên, NLĐ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDNN, việc làm và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo nghề nghiệp, việc làm bền vững, thu nhập của NLĐ.
Cùng với đó, các địa phương cũng tuyên truyền, khuyến khích đa dạng hóa hình thức đào tạo như: truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức hoặc tay nghề trước kia chưa được đào tạo…, giúp NLĐ có việc làm ổn định và thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc mới.
Lao động nông thôn được giải quyết việc làm và tạo được thu nhập từ đào tạo nghề đan đát ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: T.A
TỶ LỆ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TĂNG
Năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ 22.506 lao động vay trên 793 tỷ đồng để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và duy trì việc làm cho NLĐ. Trong đó, chú trọng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như doanh nghiệp ngành may mặc, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu...
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư trên 35 tỷ đồng từ nguồn kinh phí địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động nông thôn, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…
Với những giải pháp tích cực, năm 2023 toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo 14.880 người (đạt 106,3% kế hoạch năm và tăng 2,62% so với năm 2022). Đồng thời, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,7% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 26,75%. Đặc biệt cũng trong năm qua, Bạc Liêu đã tập trung triển khai Chương trình việc làm bền vững, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, truyền thông, tư vấn, dự báo nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách, hình thức hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ gắn với chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm như: Ngày hội việc làm, sàn, phiên giao dịch việc làm thường xuyên, định kỳ, cố định, lưu động, trực tuyến…
Ngoài ra, còn quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Phối hợp quản lý việc sử dụng lao động là người nước ngoài và thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để kịp thời phối hợp giải quyết nếu có tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc xảy ra, nhằm hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bằng những giải pháp và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trên, năm qua Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động (đạt 124,3% kế hoạch và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm). Tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2023 là 2,8% (giảm 0,25%) và tỷ lệ lao động nông thôn thiếu việc làm là 0,48% (giảm 0,1% so với năm 2022). Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là công tác phối hợp tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm từng lúc hiệu quả chưa cao, nhất là chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và NLĐ tham gia. Trình độ, tay nghề của NLĐ mặc dù được cải thiện, nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp. Việc làm thiếu bền vững, nhiều NLĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm cục bộ, dẫn đến thu nhập giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ khá cao, nên khi mất việc làm, không có nguồn bù đắp kịp thời (do không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp)...
Tất cả những khó khăn và bất cập này sẽ được Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành, địa phương tập trung giải quyết trong năm 2024 và quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
TĂNG VĂN
Đẩy mạnh công tác ĐTN, GQVL, năm 2024, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách, văn bản chỉ đạo, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Kịp thời cụ thể hóa các chính sách, văn bản chỉ đạo thành chương trình, kế hoạch để phối hợp với các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024