Giảm nghèo - Việc làm

Nâng cao hiệu quả, chất lượng​ đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thứ Sáu, 07/07/2023 | 15:28

Với mục phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, Bạc Liêu đã quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm gắn với thực hiện các đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu ký kết hợp tác với Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

Một trong những bài học kinh nghiệm được Sở LĐ-TB&XH rút ra trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm chính là nâng cao nhận thức cho người lao động (NLĐ) và các cấp, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tổ chức và phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trong, ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân, nhất là NLĐ trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức và phù hợp với từng đối tượng.

Cụ thể như, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, tọa đàm, tổ chức các hoạt động tại các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và cung cấp các văn bản, nội dung, tờ rơi về những quy định, chính sách liên quan đến GDNN, việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đến các cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và đến học sinh - sinh viên, NLĐ…

Thông qua các hoạt động trên đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhận thức của xã hội, nhất là đối tượng học sinh - sinh viên, NLĐ về các chính sách và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDNN và GQVL.

Doanh nghiệp tổ chức tư vấn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Huyện đoàn Phước Long. Ảnh: K.T

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư và phát triển hệ thống GDNN. Hiện tỉnh có 16 cơ sở giáo dục với trên 140 ngành, nghề đào tạo và tập trung ở các trình độ như: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN tiếp tục được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và mua sắm mới từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương. Đơn cử như vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất cho Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu và Trường cao đẳng Nghề (Cơ sở 2) số tiền 243 tỷ đồng, cơ sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022, kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thiết bị đào tạo của 3 trung tâm GDNN-GDTX của huyện Hòa Bình, huyện Hồng Dân, TX. Giá Rai và hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ của các huyện, thị xã, thành phố từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia với số tiền trên 8,62 tỷ đồng…

Bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên trực tiếp giảng dạy của các trường cũng đã tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, nhất là kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó, phần lớn các nhà giáo đạt chuẩn nhà giáo GDNN theo quy định chung, góp phần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Đặc biệt, chất lượng GDNN không ngừng được cải tiến, nâng chất và phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Tiêu biểu và tiên phong cho đổi mới này là Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đã tích cực xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo được cập nhật, bổ sung và chuyển đổi theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra. Trong đó, chú trọng đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp cho người học, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Cũng như, trang bị nhiều “kỹ năng mềm”, nhất là kỹ năng sống theo hướng học một nghề nhưng có thể tham gia làm nhiều việc theo nhu cầu của thực tế đặt ra.

Song song đó, một số cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng có sự chủ động hơn trong phối hợp, liên kết, ký kết hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị đào tạo như: tổ chức cho sinh viên thực tập tại công ty, doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp vào làm việc; đào tạo theo địa chỉ sử dụng của đơn vị, nhu cầu sử dụng của công ty, doanh nghiệp và nhu cầu thực tế của xã hội. Qua đó, có một số ngành nghề đào tạo tỷ lệ có việc làm đạt từ 80 - 90% với các nghề như: điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, xây dựng dân dụng, kỹ thuật tiện, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa xe gắn máy, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản…

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện tốt. Các địa phương đã phối hợp khảo sát nhu cầu học nghề để phục vụ việc mở các lớp đào tạo phù hợp với nhu cầu sản xuất, việc làm của NLĐ, góp phần nâng tỷ lệ sau đào tạo có việc làm và nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân trên 85%. Bên cạnh đó, các địa phương còn tuyên truyền, khuyến khích đa dạng hóa hình thức đào tạo như: truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức hoặc tay nghề trước kia chưa được đào tạo…, giúp NLĐ có việc làm ổn định và thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc mới.

TRẦN TUẤN

---------------------

Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động của các tỉnh, thành phố trong cả nước và thị trường lao động quốc tế, Bạc Liêu đã đề ra các mục tiêu quan trọng sau:

- Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 28,69% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 33,23%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin (kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao) đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

- Phấn đấu đến năm 2030 duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5%.

- Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp đến năm 2025 dưới 55% và đến năm 2030 đạt 45%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động đạt tối thiểu 6%/năm vào năm 2025 và 7%/năm vào năm 2030.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%.

- Duy trì tỷ lệ thanh niên thành thị thất nghiệp ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.