Giảm nghèo - Việc làm

Những cách làm hay giúp đồng bào Khmer ổn định sinh kế

Thứ Tư, 04/12/2024 | 15:56

Với phương châm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương, hướng dẫn, tạo sinh kế làm ăn, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.

Ông Thạch Thu bên vườn ớt chuẩn bị cho thu hoạch.

 Cuộc sống dần ổn định

Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) là địa phương có khá đông đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực tìm phương cách đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình giảm nghèo của xã đã chứng minh tính hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Điển hình như mô hình hỗ trợ vốn để bà con có điều kiện cải tạo đất xen canh rau màu, chăn nuôi, trồng cây ăn trái, mở cửa hàng mua bán nhỏ… đã giúp nhiều hộ Khmer cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mô hình sinh kế, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện giúp bà con liên kết, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, qua đó, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các địa phương còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, bằng cách tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, đổi mới cây trồng - vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế nông hộ bền vững. Từ đó người dân có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ được hỗ trợ vốn mà nhiều hộ Khmer đã phát triển mô hình chăn nuôi, mua bán nhỏ, có nguồn thu nhập ổn định. Điển hình như ông Thạch Thu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), trước đây đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn, mặc dù có 5 công đất canh tác hoa màu nhưng do không nắm vững kỹ thuật sản xuất lại thiếu vốn cải tạo đất nên nhiều năm liền gia đình ông vẫn thuộc diện khó khăn của xã. Năm 2021, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ cặp bò giống để nuôi và vốn để cải tạo đất, mua hạt giống…, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật… từ đó, giúp kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định.

Ông Danh Cáo - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hồng Dân cho biết, giai đoạn 2021 - 2024, huyện đã triển khai lồng ghép Chương trình mục tiêu giảm nghèo gắn với hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm và hỗ trợ vốn tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS được hơn 7 tỷ đồng. Tổ chức mở gần 130 lớp dạy nghề cho gần 1.700 lao động là đồng bào DTTS và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động. Riêng năm 2024, nhiều đơn vị không chỉ trao vốn mà còn hỗ trợ trực tiếp cây, con giống, phương tiện sản xuất cho người dân, tặng thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện đi lại cho học sinh là con em đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Mô hình mua bán nhỏ giúp cải thiện thu nhập của một hộ Khmer ở TX. Giá Rai. Ảnh: C.L

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Những năm gần đây, ngoài hỗ trợ vốn, giúp phát triển mô hình sản xuất, các địa phương còn khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng có đông đồng bào Khmer để giúp bà con dần hình thành mô hình liên kết trong sản xuất, giúp nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản vừa giúp ổn định đầu ra. Từ đó, xây dựng chuỗi các mặt hàng nông sản thuộc thế mạnh của địa phương. Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Phong (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), phần lớn các thành viên trong HTX là đồng bào Khmer. Khi mới thành lập, HTX có 17 thành viên tham gia, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là làm dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Dư Văn Dol - Giám đốc HTX cho biết, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ sản xuất lúa theo ý mình dẫn đến việc thu hoạch không đồng loạt, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp thì người mua cao, hộ mua thấp, thường xuyên bị thương lái ép giá vào cuối vụ. Tuy nhiên, sau 5 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa, trực tiếp thương lượng giá cả với các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, đặc biệt là tìm đầu ra cho hạt lúa. Nhờ đó, đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các hộ gia đình. Thị trường tiêu thụ lúa của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn tìm được thương lái từ ngoài tỉnh đến thu mua.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào Khmer đã giúp bà con vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Theo chia sẻ của chị Thị Thu (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) thuộc diện đông con, đời sống kinh tế gia đình khó khăn: Nhờ tham gia lớp học đan đát sợi nhựa rồi nhận hàng về làm lúc nông nhàn nên tôi đã có thêm thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, từ đó cuộc sống ngày càng được cải thiện. Hay như trường hợp vợ chồng ông Danh Quách ở ấp Bà Gồng (thị trấn Ngan Dừa) đều đã già yếu, mất sức lao động và không có nghề nghiệp ổn định. Đầu năm nay, gia đình ông được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ xây dựng căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn mua heo và tiền mua thức ăn để phát triển chăn nuôi nên cuộc sống dần ổn định...

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước; những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào dân tộc hôm nay được đổi thay từng ngày đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS.

Song Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.