Giảm nghèo - Việc làm

Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 26/09/2022 | 16:34

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định của Chính phủ. Qua đó, góp phần tạo việc làm và hướng đến giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Người lao động vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Một trong những kết quả đáng ghi nhận của năm 2021 là Sở LĐ-TB&XH đã cùng các đơn vị có liên quan, nhất là NHCSXH triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách với các nội dung công việc cụ thể như: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư, Nghị định 78 của Chính phủ, Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đề xuất bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay. Đồng thời, tích cực tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình chuyên đề theo từng giai đoạn về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững…

Kết quả từ năm 2002 đến tháng 6/2022, doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt trên 849 tỷ đồng và đã tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm cho 149.758 lao động. Từ hoạt động cho vay giải quyết việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã giúp nhiều lao động có vốn để đầu tư phục vụ sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện đạt và vượt kế hoạch giải quyết việc làm hàng năm của tỉnh.

Ngoài ra, hàng năm Sở LĐ-TB&XH đều xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định, nhằm đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy được hiệu quả. Thông qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng giai đoạn, từng năm trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai cho vay vốn ưu đãi để thực hiện tốt công tác giảm nghèo theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.

CẦN QUAN TÂM LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Trong công tác giảm nghèo thời gian qua, các địa phương đã tập trung phát huy có hiệu quả đồng vốn đầu tư cho hộ nghèo. Thông qua các nguồn vốn cho vay chính sách, đã góp phần cùng địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của tỉnh. Tính đến cuối năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 793 hộ, tỷ lệ 0,35%, hộ cận nghèo còn 3.035 hộ, tỷ lệ 1,34%.

Song song việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo… nhằm tăng cường thêm các giải pháp giúp hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, từ đó thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH còn tham mưu cho UBND tỉnh phân công các sở, ban, ngành cấp tỉnh trực tiếp xuống địa phương để khảo sát, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc cung cấp, hướng dẫn cách thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và cả hỗ trợ thêm chi phí cho người vay có thêm nguồn lực để thực hiện dự án. Hàng năm đã có trên 70 cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành cấp tỉnh nhận đỡ đầu hộ nghèo.

Riêng năm 2022 này, đã có 68 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận hỗ trợ 615 hộ nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố; bình quân mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 4 triệu đồng để mua con - cây giống, phương tiện làm ăn... phục vụ chăn nuôi, sản xuất, mua bán để tăng thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững…

Để nâng cao hiệu quả công tác cho vay giải quyết việc làm và góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, một bài học kinh nghiệm cần được rút ra chính là các cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã cần phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại cơ sở. Nếu việc quản lý, bình xét được thực hiện tốt từ khóm - ấp, tổ tiết kiệm vay vốn, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người vay vốn sẽ góp phần cho chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng được nâng lên, đảm bảo nguồn vốn cho vay từ chương trình này.

Cùng với đó, cần quan tâm công tác huy động nguồn lực tại địa phương với nguồn vốn Trung ương để tăng cường nguồn vốn cho vay, bởi vì nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, mở rộng sản xuất hiện nay của người dân ở các địa phương phát sinh rất nhiều. Đặc biệt từ năm 2021 cho đến nay, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều lao động bị mất việc trở về địa phương làm ăn để phát triển kinh tế hộ gia đình đang gặp khó khăn về vốn sản xuất, nhưng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế…

LÊ THANH

Tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH sẽ thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Song song đó, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như: Thực hiện tốt Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư, Nghị định 78 của Chính phủ, Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay theo Nghị quyết 15 quy định chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh phê duyệt Chương trình việc làm giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhất là các chính sách cho vay hộ nghèo, cận nghèo; phối hợp thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho đối tượng NLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vay vốn để sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát trong việc sử dụng vốn vay, xây dựng mô hình, dự án tạo việc làm tại cơ sở, qua đó kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình, cách làm đạt hiệu quả, đồng thời chấn chỉnh các trường hợp sai sót trong quá trình thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để các tổ chức, người dân được biết, vì đây là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình việc làm, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.