Giảm nghèo - Việc làm
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho xóa nghèo bền vững
Với việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (bình quân hàng năm giảm hơn 3% so với Nghị quyết Đại hội XV giao là 2%) đã đưa Bạc Liêu trở thành một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo của khu vực và cả nước.
Hội LHPN thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) tặng ao cá nghĩa tình cho hội viên nghèo. Ảnh: K.T
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI xác định từ nay đến năm 2025 phải giảm nhanh hộ nghèo với chỉ tiêu giảm hộ nghèo còn dưới 1% và hướng đến “xóa trắng” hộ nghèo. Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này và hướng đến giảm nghèo bền vững, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho hộ nghèo. Đồng thời, tiếp tục triển khai các bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo. Đó là bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, thì các chính sách cho người nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo tạo việc làm, vốn tín dụng, hỗ trợ bảo hiểm y tế… Qua đó tạo sinh kế, giúp hộ nghèo tạo được thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ này đã mang lại những kết quả tích cực và giúp hàng trăm hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Như trong thực hiện chính sách tín dụng, trong 5 năm qua, tổng dư nợ cho vay các chương trình phục vụ công tác giảm nghèo đạt 1.100 tỷ đồng, chiếm 52% tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, với hơn 51.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay.
Phát huy vai trò các đoàn thể
Trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho hộ nghèo, các tổ chức đoàn thể đã tiên phong và tham gia tích cực vào phong trào này. Điển hình như Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội đã đầu tư cho 196 lượt dự án với tổng số hơn 2.156 nông dân là hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn vay để phát triển sản xuất, tổng vốn quay vòng hơn 56 tỷ đồng. Qua các dự án và mô hình sản xuất đã tạo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế tại địa phương và nhân rộng được các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Ngoài ra, Hội Nông dân còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức được 538 lớp dạy nghề dưới 3 tháng và nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để giới thiệu, hướng dẫn nông dân sử dụng sản phẩm vật tư nông nghiệp với hơn 1.230 lượt người dự, tổng kinh phí thực hiện trên 1,8 tỷ đồng. Tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho trên 6.728 lao động trong độ tuổi lao động tại các công ty, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan..., cho thu nhập bình quân đầu người tăng từ 38,8 triệu đồng/năm (năm 2015) lên hơn 50 triệu đồng/năm…
Ngoài Hội Nông dân thì các tổ chức khác như Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cũng đã và đang xây dựng nhiều mô hình hay trong việc giúp hộ nghèo, nhất là giải quyết cơ bản hội viên nghèo ở các chi hội thông qua các mô hình như: tặng ao cá, vườn rau, quỹ hùn vốn, tổ dịch vụ việc làm, tổ liên kết sản xuất, chăn nuôi…
Với mục tiêu chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững, ngoài tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức vì người nghèo”, việc tăng cường, huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo sẽ giúp Bạc Liêu hoàn thành được mục tiêu đề ra, hướng đến xóa trắng hộ nghèo.
Trần Yến
(Sở LĐ-TB&XH)
- Tỉnh đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh -Trường đại học Bạc Liêu: Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên
- Bộ Công thương tổ chức Hội nghị đôn đốc các dự án điện theo Chỉ thị 01/CT-TTg
- TX. Giá Rai triển khai kế hoạch mừng Đảng - mừng Xuân năm 2025
- Sở Tài chính tổng kết công tác năm 2024
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải