Giảm nghèo - Việc làm
Tăng hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm
Với việc tích cực hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), TP. Bạc Liêu đã giúp hàng ngàn lượt hộ dân có thêm điểm tựa tài chính vững chắc để đầu tư khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.
Ông Lâm Bình (xã Hiệp Thành) chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Tạo thu nhập ổn định
Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi nên vợ chồng chị Huỳnh Thị Kim Cương (ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành) chỉ mở được sạp tạp hóa nhỏ, thu nhập mỗi ngày hơn 100.000 đồng. Năm 2022, sau khi được xét vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH tỉnh, vợ chồng chị có điều kiện phát triển quy mô lên cửa hàng tạp hóa, cho thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây, điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể.
Trường hợp của gia đình ông Lâm Bình (ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành), tuy có đất nhưng thiếu vốn sản xuất. Đầu năm 2023, ông Bình được hướng dẫn vay 35 triệu đồng từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH tỉnh. Có vốn, ông Bình nhanh chóng bắt tay cải tạo đất, đầu tư trồng hẹ và các loại rau ăn lá, cây ăn trái. Ông Bình cho biết, thời gian tới, ông tiếp tục cải tạo đất vườn tạp phát triển trồng màu theo hướng VietGAP để cung cấp cho thị trường nguồn rau sạch, chất lượng, qua đó cũng giúp gia đình có nguồn thu khá.
Ngoài hỗ trợ tạo việc làm, đồng vốn cho vay của Ngân hàng CSXH còn là “đòn bẩy” giúp nhiều mô hình sinh kế, dự án, tổ hợp tác, hợp tác xã… được duy trì và phát triển. Cụ thể như Dự án may gia công tại ấp Biển Tây B (xã Vĩnh Trạch Đông) của chị Trần Thị Bích Lệ. Có nguồn vốn “mồi” trị giá 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, thông qua thực hiện Dự án, chị Lệ đã giúp tạo việc làm cho 12 lao động. Hay như hộ ông Trương Dù Chênh (ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông), nhờ Ngân hàng CSXH giải ngân cho vay 60 triệu đồng đã giúp ông có thêm điều kiện đầu tư, phát triển mô hình trồng thanh nhãn, tạo ra nguồn thu nhập khá, bền vững.
Chị Huỳnh Thị Kim Cương (xã Hiệp Thành) sắp xếp lại hàng hóa.
Có thể thấy, vốn tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp giải quyết việc làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, hạn chế tình trạng vay nặng lãi (tín dụng đen), nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn cho vay tạo việc làm, hỗ trợ và mở rộng việc làm đã tạo việc làm cho người lao động có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình ở tại địa phương.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trao đổi với hộ dân về nguồn vốn vay. Ảnh: T.Q
Nâng cao chất lượng nguồn vốn
Theo Phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu, 6 tháng đầu năm 2024, đã có 511 hộ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với số tiền trên 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH còn hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế cho 888 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền trên 27,1 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn, đồng thời thực hiện tốt chất lượng tín dụng chính sách, thời gian tới, TP. Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Trong đó cần duy trì, thực hiện tốt và tiếp tục phát huy hiệu quả các phương thức tuyên truyền hiện có, đồng thời cũng nên tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn. Mặt khác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát để ngăn ngừa rủi ro phát sinh như tập trung quan tâm phát huy vai trò giám sát của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với các chương trình tín dụng CSXH.
Đối với Ngân hàng CSXH, tiếp tục khai thác lợi thế, tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH và UBND các phường, xã xây dựng phương án, đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2024 - 2025 trình phê duyệt theo quy định. Phối hợp cho vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, như: nguồn vốn tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm… Qua đó giúp giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, mang lại hiệu quả thiết thực về phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách, quan tâm công tác huy động nguồn lực cho tín dụng CSXH trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố nhận ủy thác, UBND phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hộ vay trong việc sử dụng vốn trên địa bàn quản lý.
Với chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ trở thành công cụ đắc lực, chung tay giúp sức cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu trong việc chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Thanh Vũ
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024