Giảm nghèo - Việc làm
Tập trung cả hệ thống chính trị chăm lo cho hộ nghèo
Với mục tiêu phấn đấu giảm 3,55% hộ nghèo và 2% hộ cận nghèo vào cuối năm 2014, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực để cùng chăm lo cho hộ nghèo.
Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng tặng nhà tình thương cho các hộ nghèo trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.H |
Để thực hiện chỉ tiêu trên, Bạc Liêu sẽ giúp 7.000 hộ nghèo và khoảng 4.150 hộ cận nghèo được thoát nghèo. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Bạc Liêu lại đưa ra chỉ tiêu này đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Đảng bộ trong việc đồng hành cùng hộ nghèo. Vì vậy, một trong những giải pháp được Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh tập trung chỉ đạo là: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với việc đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo phù hợp với trình độ của các hộ nghèo. Trong đó, phấn đấu dạy nghề cho 12.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo là 43%. Đồng thời, giải quyết việc làm mới cho 18.000 lao động và xuất khẩu 250 lao động.
Đây được coi là giải pháp căn cơ trong giải quyết bài toán giảm nghèo hiện nay, vì phần lớn hộ nghèo qua thống kê đều không có việc làm ổn định, không tạo được thu nhập nên khó thoát nghèo và dễ tái nghèo. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt giải pháp này, việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo phải thật sự đi vào chiều sâu, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Bởi phần đông hộ nghèo đều không có đất hoặc ít đất sản xuất. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ phương tiện sản xuất cho hộ nghèo gắn với việc khảo sát, định hướng, thay vì hỗ trợ theo kiểu cào bằng hoặc xin gì cho nấy.
Ông Trà Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, kiêm Trưởng Ban giảm nghèo thành phố cho rằng: “Để phát huy hiệu quả từ việc hỗ trợ phương tiện sản xuất, thì Ban giảm nghèo các địa phương phải làm tốt công tác điều tra, khảo sát và hỗ trợ đúng nhu cầu. Không phải hộ nghèo xin gì cho nấy mà phải định hướng cho họ để hỗ trợ phù hợp, mang lại hiệu quả”. Làm được việc này sẽ góp phần khắc phục những bất cập trong việc hỗ trợ phương tiện, vốn sản xuất và cả hỗ trợ cây - con giống. Như việc hỗ trợ xe gắn máy cho các hộ nghèo ở các xã vùng ven với mục đích vận chuyển hàng hóa hoặc kiếm thêm thu nhập từ việc chạy xe Honda ôm, thì một số hộ nghèo lại sử dụng cho việc đi chơi. Hoặc khi hỗ trợ cây - con giống nhưng lại không trang bị kiến thức kỹ thuật cho hộ nghèo (như việc heo đem về nuôi chẳng bao lâu thì chết). Do vậy, một trong những giải pháp mà Ban giảm nghèo TP. Bạc Liêu chỉ đạo: gắn với việc hỗ trợ vốn là hướng dẫn cách sử dụng vốn có hiệu quả; giới thiệu mô hình kinh tế, trao phương tiện sản xuất phải gắn với điều kiện đặc thù của từng hộ để phát huy sức lao động; hoặc khi chuyển giao cây - con giống thì mở các lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả…
Để giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất và giải quyết việc làm, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đầu tư hơn 92 tỷ đồng cho trên 6.650 lượt hộ vay, đạt 73% kế hoạch năm. So với những năm trước đây, mức cho vay hộ nghèo tăng, bình quân mỗi hộ nghèo được vay từ 13 - 14 triệu đồng. Được biết, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo đến nay hơn 1.210 tỷ đồng, bao gồm các chương trình: cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên nghèo…
Tăng cường hỗ trợ
Theo bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh: “Năm 2014 chỉ tiêu giảm nghèo khá cao, do đó các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo quyết liệt mới có khả năng đạt được. Bên cạnh đó, cần huy động thêm nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tăng cường vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội, nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Thực hiện giải pháp này, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại và tìm hiểu nguyên nhân gây nghèo để có giải pháp cho từng trường hợp cụ thể. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, nhất là nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo, các đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình được vay vốn và có kế hoạch giúp đỡ kịp thời đối với các hộ nghèo khi sản xuất gặp rủi ro. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho hộ nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, đất sản xuất… Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với nguồn lực của tỉnh để đầu tư cho hộ nghèo. Phát huy vai trò doanh nghiệp trong liên kết đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhận đỡ đầu hộ nghèo…
TÚ ANH
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, chúc tết vùng căn cứ huyện Đông Hải
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Cần nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nằm trong chuỗi sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
- Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu bị bắt
- Nâng chất hướng nghiệp học đường
- Ý nghĩa Dự án “Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Khmer”