Giảm nghèo - Việc làm
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Những kết quả đáng ghi nhận
Trong 5 năm qua, từ việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư và triển khai nhiều chương trình, dự án về giảm nghèo, Bạc Liêu đã trở thành điểm sáng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Ngân hàng NN&PTNT tỉnh trao quà và tiền cho hộ nghèo ở huyện Hòa Bình. Ảnh: L.D
Huy động nhiều nguồn lực cho giảm nghèo
Để tập trung nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 114 về việc thực hiện chương trình việc làm và giảm nghèo bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỉnh đã phân bổ kinh phí 26 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện ủy thác để cho vay giải quyết việc làm và giảm nghèo.
Ngoài các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn, tỉnh luôn quan tâm và tập trung huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng cơ nhỡ, già yếu; trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết mai táng phí, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng… theo quy định.
Để có đủ nguồn lực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vận động các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp thông qua nhiều hình thức với số tiền trên 512 tỷ đồng vào Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình phân công cơ quan, cán bộ, đảng viên và vận động doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo; hỗ trợ công cụ, phương tiện, giống, vốn và hướng dẫn cách thức làm ăn, giúp hộ nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Cụ thể, qua 5 năm đã hỗ trợ, giúp đỡ 23.825 hộ với tổng số tiền trên 83 tỷ đồng.
Giảm nhanh hộ nghèo
Có thể nói, những kết quả về công tác giảm nghèo đạt được trong 5 năm là những thành tích đáng ghi nhận. Nếu đầu năm 2016, qua kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 30.855 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%, thì đến ngày 1/9/2020 toàn tỉnh đã giảm được 28.079 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ giảm 14,67%. Số hộ nghèo hiện còn là 2.776 hộ, chiếm tỷ lệ 1,24% và ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn khoảng 0,5% hộ nghèo.
Để đạt được những kết quả quan trọng trên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phải ghi nhận sự đóng góp của các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo. Điển hình như trong 5 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ 78 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế hỗ trợ 2.920 hộ hưởng lợi; tổ chức 96 cuộc đối thoại trực tiếp với đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số về các chính sách giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng dân tộc thiểu số, với trên 4.100 lượt người tham dự…
Thông qua các mô hình giảm nghèo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tăng cường mối liên kết hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế; khuyến khích, phát huy vai trò sáng kiến và nguồn lực đối ứng của chính người dân và cộng đồng trong quá trình thực hiện mô hình, chủ động vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.
Điển hình rõ nét nhất là tạo được nhiều mô hình sinh kế tại các địa phương như: Huyện Hồng Dân với mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, trồng hoa màu kết hợp nuôi heo, đan đát kết hợp với chăn nuôi; huyện Đông Hải với mô hình nuôi dê, sò huyết, tôm, gà; huyện Phước Long với mô hình phân chia lao động trong sản xuất hộ gia đình; huyện Vĩnh Lợi với mô hình trồng dưa hấu và dưa leo tại xã Hưng Hội…
Phát huy kết quả này, từ nay đến năm 2025, Bạc Liêu sẽ tập trung làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trần Yến (Sở LĐ-TB&XH)
- Tỉnh đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh -Trường đại học Bạc Liêu: Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên
- Bộ Công thương tổ chức Hội nghị đôn đốc các dự án điện theo Chỉ thị 01/CT-TTg
- TX. Giá Rai triển khai kế hoạch mừng Đảng - mừng Xuân năm 2025
- Sở Tài chính tổng kết công tác năm 2024
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải