Giảm nghèo - Việc làm
Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình), trong những năm qua tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp hữu hiệu và đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tính đến tháng 1/2023, Bạc Liêu còn 7.233 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,19% so với tổng số hộ trong toàn tỉnh và 12.055 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,32%.
Hội LHPN huyện Phước Long tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo từ mô hình đan lục bình gia công.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Năm 2021, Bạc Liêu đã tiến hành tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn quy định tại Nghị định 07 của Chính phủ. Kết quả, toàn tỉnh có 11.497 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,09% và 14.755 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,54%. Đến năm 2022, qua kết quả điều tra, rà soát hằng năm, toàn tỉnh đã giảm được 4.264 hộ nghèo và 2.700 hộ cận nghèo. Tính đến tháng 1/2023, Bạc Liêu còn 7.233 hộ nghèo và 12.055 hộ cận nghèo.
Những kết quả quan trọng trên đã thể hiện sự quan tâm và nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ thông qua nhiều mô hình, cách làm và triển khai thực hiện tốt các dự án hỗ trợ dành cho hộ nghèo. Tiêu biểu với các dự án như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ việc làm bền vững…
Trong đó, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành, địa phương trong thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là phối hợp với Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giới thiệu các cá nhân, tập thể có mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; tuyên truyền định hướng cho người dân tham gia, hưởng thụ Chương trình và tiếp cận các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý…
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với tạo sinh kế từ các mô hình sản xuất, đào tạo nghề và vay vốn phát triển sản xuất. Có thể điển hình như việc phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền, truyền thông về công tác giảm nghèo tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện các chính sách ủy thác. Kết quả, đã tổ chức được 14 nhóm với 630 lượt người tham gia…
Mô hình nuôi vịt sinh sản từ Dự án phát triển sinh kế trên địa bàn huyện Hồng Dân. Ảnh: T.A
CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO CÒN GẶP KHÓ
Với việc tích cực tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện các dự án đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo đều giảm hơn 1%/năm, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được thì việc thực hiện Chương trình cũng còn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế. Đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng thiếu vốn sản xuất, không có việc làm, không có khả năng lao động... phổ biến trong các hộ nghèo, cận nghèo. Số hộ nghèo, cận nghèo đa số là hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ đông người ăn theo..., địa phương chưa có mô hình giảm nghèo hiệu quả đối với các đối tượng này.
Bên cạnh đó, mặc dù dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng hậu quả do dịch bệnh gây ra cho người dân địa phương vô cùng nặng nề, hoạt động sản xuất trì trệ, lao động bị mất việc sau đại dịch chưa tìm được việc làm hoặc tìm được việc nhưng thu nhập thấp và không ổn định. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, dẫn đến một số chương trình giảm nghèo chưa thể triển khai thực hiện. Hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ khá cao nên công tác vận động, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo còn gặp khó khăn, nhất là các hộ nghèo thuộc đối tượng già yếu, neo đơn, người khuyết tật mất sức lao động và ít con cháu…
Cùng với đó, một số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng quá trình đầu tư làm ăn kém hiệu quả; một số mô hình sản xuất mới chưa thể hiện tính hiệu quả nên việc triển khai nhân rộng gặp nhiều khó khăn. Các dự án, mô hình, chương trình đã được xây dựng nhưng đến thời điểm báo cáo chưa được phân bổ kinh phí thực hiện, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện của địa phương…
Song, từ thực tiễn trong thực hiện Chương trình cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Phải xác định rõ nguyên nhân, tình trạng thực để tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của chính bản thân hộ nghèo; khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Xây dựng dự án, mô hình phải sát với thực tế điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người nghèo. Hướng dẫn thực hiện dự án phải khoa học, hợp lý để hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia dự án dễ dàng tiếp cận, triển khai dự án có hiệu quả, bền vững…
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Trung ương một số nội dung sau:
Chỉ đạo nghiên cứu, hỗ trợ sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình theo hướng tích hợp đầy đủ nội dung trọng tâm các văn bản liên quan, giúp địa phương dễ tra cứu và áp dụng thực hiện. Vì hiện nay việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình phải dẫn chiếu từ nhiều văn bản của bộ, ngành Trung ương, từ đó các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Kiến nghị UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.
Đôn đốc sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện Chương trình năm 2022 đạt tiến độ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án, chương trình, trong đó tập trung vào phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; hiệu quả thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo; xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo…
TRẦN YẾN
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên