Giảm nghèo - Việc làm
Tín dụng chính sách góp sức giảm nghèo
Hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) xã hội và công tác cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Bạc Liêu. Những đồng vốn chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn tại xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu).
“Đòn bẩy” TDCS
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình giảm nghèo, các chương trình TDCS xã hội được đánh giá là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành điểm sáng bảo đảm an sinh xã hội của TP. Bạc Liêu trong nhiều năm qua. Nguồn vốn lớn, cùng hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại các khóm, ấp và mạng lưới Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phủ khắp địa bàn tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn ưu đãi, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nuôi tôm thất bại nhiều năm liên tiếp khiến kinh tế gia đình chị Nguyễn Mộng Thu (khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) rơi vào kiệt quệ. Cả gia đình sống nhờ vào nghề cho thuê bàn ghế, song vì ít vốn nên chỉ có vài bộ bàn, không có tiền thay mới nên rất ít người thuê. Năm 2020, với 40 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH giúp gia đình chị có điều kiện sắm sửa thêm nhiều bộ bàn ghế mới và rạp. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả nên kinh tế gia đình dần ổn định và có chút tích lũy. Đến năm 2023, chị được xét nâng mức cho vay lên 90 triệu đồng đầu tư thêm bàn ghế, rạp cưới, giúp gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cuộc sống ngày càng dư dả. “Nguồn vốn vay TDCS đã hỗ trợ đắc lực cho các hộ dân đang khao khát phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhưng lại thiếu vốn, giúp chúng tôi không bị vướng vào “tín dụng đen”, tránh nguy cơ nghèo càng thêm nghèo, có điều kiện vươn lên dư dả”, chị Mộng Thu bày tỏ.
Gia đình anh Thạch Phel (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) từng thuộc diện hộ nghèo, thu nhập rất bấp bênh, mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào công việc làm thuê của anh. Trước áp lực “cơm áo gạo tiền”, gia đình anh mong muốn phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập nhưng thiếu vốn. Nắm bắt được hoàn cảnh và nhu cầu của gia đình anh, Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp đã hỗ trợ anh thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH. Đồng thời tạo điều kiện cho vợ chồng anh tham gia các lớp kỹ thuật nuôi gà, vịt. Có vốn, có kỹ thuật chăn nuôi, anh liền đầu tư mô hình nuôi gà, giúp gia đình có thu nhập đều đặn. Cuối năm 2023, gia đình được công nhận thoát nghèo. Đến đầu năm 2024, gia đình được xét cho vay lại 40 triệu đồng, anh mua thêm gà giống và mở rộng chuồng trại, có điều kiện phát triển sinh kế, tăng thu nhập. Anh Phel chia sẻ: “Người nghèo chúng tôi thiếu vốn, không đất sản xuất nên muốn làm gì cũng khó. Nếu như không có nguồn vốn vay ưu đãi thì chắc chắn vợ chồng tôi đến giờ vẫn còn đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, con tôi không được học hành đến nơi đến chốn”.
Nguồn vốn chính sách đã thật sự đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến người nghèo. Toàn bộ nguồn vốn chính sách huy động, tạo lập được, cùng dòng vốn ngân sách của địa phương bổ sung, ủy thác đã được chuyển kịp thời về khắp địa bàn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện thực hiện nhiều mô hình như: trồng rau sạch, trồng cây ăn trái, mua bán nhỏ, chăn nuôi… Từ đó, họ đã có thu nhập ổn định, thậm chí nhiều hộ còn vươn lên khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Thạch Phel (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) chăm sóc đàn gà. Ảnh: T.Q
Nâng chất lượng TDCS
Theo Phòng LĐ-TB&XH TP. Bạc Liêu, với cơ chế, thủ tục cho vay thuận lợi, hộ vay không phải thế chấp tài sản, vốn vay được giải ngân tại điểm giao dịch xã, nơi gần kề với người nghèo và các đối tượng chính sách, mức cho vay phù hợp giúp khởi tạo sản xuất - kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định thu nhập tiến tới thoát nghèo. Chỉ tính trong 9 tháng qua, doanh số cho vay đạt hơn 38 tỷ đồng, với 1.259 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm gần 30 tỷ đồng, với gần 900 lượt khách hàng vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo là 2 tỷ đồng với 49 lượt khách hàng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 5,5 tỷ đồng, với 298 lượt khách hàng vay vốn… Các chương trình tín dụng trên đã không ngừng phát huy hiệu quả đầu tư và góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững.
Với mục tiêu là cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của thành phố, thời gian tới TP. Bạc Liêu sẽ duy trì và triển khai đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS. Đồng thời thực hiện tốt phương thức quản lý vốn TDCS xã hội đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động Điểm giao dịch tại xã, thực hiện công khai về các thông tin, chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động TDCS tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình TDCS.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động TDCS, quan tâm công tác huy động nguồn lực cho TDCS xã hội trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố nhận ủy thác, UBND phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hộ vay trong việc sử dụng vốn trên địa bàn quản lý.
Phối hợp với Ngân hàng CSXH và UBND các phường, xã xây dựng phương án, đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2024 - 2025 trình phê duyệt theo quy định, đảm bảo vốn TDCS được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Lồng ghép hiệu quả hoạt động TDCS với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với các nguồn lực tập trung đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới như: đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn…, nguồn vốn TDCS cũng góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp địa phương tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.
Có thể thấy, vốn TDCS đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo của TP. Bạc Liêu, trở thành một trong những điểm tựa vững chắc để người dân cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định.
Thanh Vũ
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024