Giảm nghèo - Việc làm
Triển khai tốt chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việc đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh trong năm 2024. Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cùng các địa phương hiện đang tận dụng cơ hội nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài ở một số thị trường tốt có xu hướng gia tăng. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ, thúc đẩy chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hoàn chi phí cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tuyên truyền sâu, tư vấn cụ thể
Những năm qua, số lượng NLĐ trong tỉnh đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài ngày một tăng. Nhờ nguồn thu nhập này, cuộc sống của người dân được cải thiện, hầu hết các trường hợp tham gia lao động ở nước ngoài đều tích lũy được khoản tiền lớn để hỗ trợ gia đình thoát nghèo, đầu tư phát triển kinh tế. Tiêu biểu như Đông Hải là huyện có nhiều lao động xuất cảnh nhất trong năm 2023 với trên 150 lao động, vượt trên 300% kế hoạch đề ra. Để có được kết quả này, trước hết phải khẳng định rằng cấp ủy, chính quyền địa phương có sự quan tâm rất lớn đối với công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Huyện ủy ban hành Nghị quyết 04, UBND huyện xây dựng Kế hoạch 17 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, triển khai hiệu quả công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, huyện chú trọng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty tổ chức sàn giao dịch việc làm, tổ chức các lớp tư vấn, các buổi tuyên truyền cụm, nhóm vừa triển khai các chính sách mà NLĐ được thụ hưởng khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài.
Còn với TX. Giá Rai, ngành chức năng cũng phối hợp với các hội, đoàn thể, địa phương kết hợp tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt tổ, nhóm, rộng hơn là các đợt tư vấn theo từng đối tượng (học sinh - sinh viên, lao động nông thôn, lao động thất nghiệp). Qua đó nâng cao nhận thức về việc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập mà còn góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Ước tính số tiền lao động từ nước ngoài gửi về địa phương qua hệ thống ngân hàng và người thân lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Một Phiên giao dịch và tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên trong tỉnh do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: T.T
Lựa chọn thị trường phù hợp, tiếp cận chính sách dễ dàng
Cùng với việc phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai kịp thời chương trình chính sách cho lao động vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho 126 lao động vay với số tiền trên 7,1 tỷ đồng, tăng 4,5 tỷ đồng so với năm 2022.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Sở LĐ-TB&XH cho phép và giới thiệu tuyển chọn lao động trên địa bàn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ, hướng dẫn NLĐ làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nhất là việc đề nghị các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hóa đơn, biên lai thu tiền cho NLĐ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ NLĐ khám sức khỏe, làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; cấp các chứng từ khác liên quan đến nội dung hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Theo Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh về “Quy định hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, tổng kinh phí hỗ trợ là trên 83 tỷ đồng. Theo đó, nhóm lao động thuộc đối tượng 1 (hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp) sẽ được hỗ trợ không hoàn lại các chi phí như: đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại (lượt đi và về), hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực (visa). Đồng thời hỗ trợ vay vốn theo hình thức tín chấp đối với 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với lao động không nằm ở nhóm hỗ trợ trên cũng sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/người để tham gia học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại (lượt đi và về), hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực. Đồng thời được vay tín chấp 50% chi phí theo hợp đồng tại Ngân hàng CSXH, vay thêm tối đa 30% chi phí theo hợp đồng bằng tài sản thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn lại 20% chi phí theo hợp đồng do NLĐ tự túc.
Có thể khẳng định, những chính sách hỗ trợ trên đã giúp nhiều lao động dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, diện gia đình chính sách… giảm bớt được phần chi phí không nhỏ, có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục phát huy hiệu quả trên, ngành chức năng và các địa phương đã tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận và đưa ra những đề xuất để hỗ trợ NLĐ không thuộc đối tượng 1. Bởi theo các địa phương, mục tiêu giảm nghèo bền vững trong tỉnh đã và đang có sự chuyển biến rất lớn, nên hộ nghèo, cận nghèo sẽ giảm đi rất nhiều, do đó các chính sách cần chuyển đến các hộ khó khăn mà địa phương đảm bảo, xác nhận.
Hoàng Uyên
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024