Giảm nghèo - Việc làm

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Tư vấn các vấn đề người lao động quan tâm khi đi làm việc tại Nhật Bản

Thứ Sáu, 23/11/2018 | 16:39

Nhật Bản là thị trường lao động được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm lựa chọn khi tham gia xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, một số lao động vẫn còn mơ hồ về điều kiện tuyển dụng, chế độ khi đi làm việc tại nước này. Để giúp NLĐ hiểu rõ hơn, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã tư vấn và giải đáp nhiều vấn đề mà NLĐ thắc mắc.

Đoàn viên - thanh niên đặt câu hỏi với Trung tâm DVVL tỉnh về các điều kiện khi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Ảnh: H.L

Để được đi làm việc ở Nhật Bản, các ứng viên cần phải đáp ứng yêu cầu về ngoại hình, độ tuổi và trình độ học vấn. Cụ thể là nam cao 1m62 trở lên, cân nặng 52kg trở lên, tuổi từ 19 - 32; nữ cao 1m52 trở lên, nặng 45kg trở lên, tuổi từ 19 - 28. Nếu đi theo diện thực tập sinh (TTS) (lao động phổ thông), thông thường ứng viên chỉ cần tốt nghiệp cấp 2 trở lên; ứng viên có thể đi theo diện kỹ thuật viên (KTV) (lao động có tay nghề kỹ thuật cao) nếu tốt nghiệp đại học, cao đẳng chính quy chuyên ngành: cơ khí chế tạo, xây dựng, điện tử, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, tùy vào đơn hàng tuyển chọn mà các tiêu chuẩn lựa chọn có thể thay đổi. Những ngành nghề được tuyển chọn đi làm việc ở Nhật Bản gồm: cơ khí, chế biến thực phẩm, kiểm tra lắp ráp linh kiện điện tử, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Bên cạnh đó, NLĐ cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe và các điều kiện bắt buộc. Theo đó, trước khi dự tuyển chính thức với người Nhật, các ứng viên phải tiến hành khám sức khỏe ở bệnh viện có chức năng khám sức khỏe cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Người đủ tiêu chuẩn là người không mắc những bệnh về tim, viêm gan B, mù màu, bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội… Chưa từng xin visa vào Nhật Bản dưới mọi hình thức, không có tiền án, tiền sự tại địa phương. Tổng chi phí xuất cảnh khoảng 90 - 130 triệu đồng tùy theo ngành nghề, vùng miền. Chi phí được chia làm 3 đợt đóng: đăng ký nhập học, sau khi trúng tuyển và trước khi xuất cảnh. Sau khi trúng tuyển chính thức, các ứng viên sẽ hoàn thiện hồ sơ thủ tục và học tiếp tiếng Nhật, kiến thức cần thiết và nâng cao tay nghề khoảng từ 4 - 6 tháng.

Thời gian làm việc ở Nhật Bản với tư cách TTS là 3 năm (có thể gia hạn thêm 2 năm theo luật mới nhất năm 2018 ký giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản), còn KTV có thể từ 5 năm trở lên. Đối với diện TTS khi bắt đầu đi làm, NLĐ sẽ nhận mức lương cơ bản từ 110.000 - 170.000 yên Nhật (khoảng 23 - 34 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền làm thêm, thưởng, phụ cấp). Tùy vào từng công ty làm việc và nếu NLĐ chịu khó, tổng thu nhập có thể đạt khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng. Đối với diện KTV, khi bắt đầu đi làm, NLĐ sẽ nhận mức lương cơ bản từ 180.000 - 230.000 yên Nhật (khoảng 36 - 45 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền làm thêm giờ, thưởng, phụ cấp). Về thời gian làm việc, luật lao động Nhật Bản quy định rõ ngày làm 8 tiếng, một tháng nghỉ tối thiểu 4 ngày Chủ nhật và 2 ngày thứ Bảy, các ngày lễ tết cũng được nghỉ theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, NLĐ cũng được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ như được đóng bảo hiểm, được nghiệp đoàn trang bị những kiến thức về ăn ở, sinh hoạt, đi lại… Sau khi hoàn thành hợp đồng về nước, NLĐ sẽ được công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng dẫn làm hồ sơ nhận lại tiền bảo hiểm 3 năm (hoặc 5 năm) mà NLĐ đã đóng, thông thường khoảng 60 - 100 triệu đồng (150 triệu đối với 5 năm) tùy thuộc vào mức đóng bảo hiểm thực tế của NLĐ.

Để hiểu rõ hơn về những thông tin trên, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm DVVL tỉnh, số 89/4, đường Trần Phú, phường 7, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; điện thoại: 0291.6252.115.

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.