Giảm nghèo - Việc làm
Xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình): Tập trung chăm lo đời sống hộ nghèo
Với mục đích chăm lo đời sống và tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, thời gian qua, xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, mô hình, dự án giảm nghèo, giúp người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người thân của ông Sơn Minh bên đàn gà được hỗ trợ.
Nhiều cách làm hiệu quả
Gia đình ông Sơn Minh (ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hậu) là hộ dân tộc Khmer nghèo, nhà đông người, cuộc sống quanh năm dựa vào việc làm thuê. Tháng 11/2024 vừa qua, gia đình ông vừa được chính quyền cấp cho 150 con gà thịt để nuôi. Vui mừng vì được hỗ trợ, gia đình ông tiến hành làm chuồng trại, rào chắn cẩn thận và mọi thành viên trong nhà đều ý thức chăm sóc đàn gà thật tốt, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để chuẩn bị xuất bán vào dịp tết Nguyên đán 2025 này.
Gia đình ông còn được hỗ trợ 12 bao thức ăn và được cán bộ địa phương tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi để gà phát triển tốt, hạn chế bệnh. Với gia đình ông, đàn gà này không chỉ mở ra cơ hội tăng thu nhập, mà còn tạo điều kiện để tiếp tục tái đàn, tăng đàn. Ông Minh chia sẻ: “Lúc mới nhận gà, tôi cứ lo không biết có nuôi được hay không, sợ gà bị bệnh, nhưng giờ thì thấy rất dễ chăm sóc, gà lớn nhanh. Gia đình tôi sẽ chăm sóc thật cẩn thận để đàn gà phát triển tốt, bán được giá”.
Hộ ông Sơn Minh là một trong 2 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ mô hình “Chăn nuôi gà” để tạo sinh kế, tăng thu nhập. Ngoài mô hình này, nhiều hộ nghèo, cận nghèo cũng được hỗ trợ phương tiện sản xuất như máy ép nước mía, tủ đông với kinh phí mỗi hộ là 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo… với 2 dự án chủ lực là nuôi dê sinh sản và nuôi heo thịt. Trong đó có 9 hộ được hỗ trợ nuôi dê với tổng kinh phí hơn 140 triệu đồng.
Dự án chăn nuôi dê sinh sản được đánh giá cao bởi tính hiệu quả. Do dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, xây dựng chuồng trại cũng đơn giản nên phù hợp với những hộ ít vốn. Điểm đặc biệt của mô hình là sự cam kết đồng hành cùng người dân từ khi bắt đầu triển khai đến khi xuất bán. Theo dự kiến, dê cái mỗi năm sinh từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 2 - 3 con, sau 5 tháng, dê con có trọng lượng từ 30 - 40kg. Hiện dê thương phẩm có giá 150.000 đồng/kg và dê giống khoảng 10 tháng tuổi giá 180.000 đồng/kg. Số tiền này không chỉ giúp cải thiện đời sống, mà còn tạo điều kiện để các hộ tiếp tục tái đầu tư cho đợt chăn nuôi tiếp theo.
Hộ chị Thạch Thị Mỹ Phượng (bên phải - ấp Vĩnh Thạnh) được chính quyền xã hỗ trợ tủ đông để kinh doanh.Ảnh: T.N
Chăm lo người nghèo
Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, xã Vĩnh Hậu đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, xã cũng luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là lực lượng lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách… Theo đó, trong năm 2024 đã có 154 lao động được đào tạo nghề, đạt hơn 128%, nâng tổng số lao động qua đào tạo là hơn 2.500 người. Cùng với đó, đã có 6.030 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 2 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Để hỗ trợ người lao động, hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện kinh tế, xã cũng thực hiện tốt chính sách cho vay ưu đãi tín dụng từ các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo với hơn 2.700 đối tượng được thụ hưởng, số tiền hơn 11 tỷ đồng. Với các giải pháp linh hoạt trên, năm 2024, công tác giảm nghèo của xã Vĩnh Hậu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận với số hộ nghèo giảm còn 39 hộ, chiếm tỷ lệ 1,3%; hộ cận nghèo còn 19 hộ, chiếm tỷ lệ 0,64 %. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận khi so với đầu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lần lượt là 13,5% và 3,82%.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… cũng được quan tâm kịp thời. Cụ thể là xã đã cấp 689 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 177 thẻ cho hộ cận nghèo và 655 thẻ cho hộ mới thoát nghèo. Việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, cũng như tiếp cận với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu - Trần Thanh Toàn cho biết: “Thời gian tới, xã Vĩnh Hậu sẽ tiếp tục khảo sát điều kiện thực tế về chỉ tiêu thiếu hụt cụ thể của từng hộ nghèo, cận nghèo để từ đó xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ, giúp đỡ sao cho phù hợp. Phương châm của xã là trao “cần câu” cho từng hộ nghèo, cận nghèo để giúp bà con thoát nghèo bền vững”.
BÙI NGUYỄN
- Họp Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam”
- Các ngân hàng hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin cá nhân
- Công an Bạc Liêu tích cực thực hiện cao điểm “60 ngày đêm” dịch vụ công trực tuyến
- Giải quyết yêu cầu khiếu nại, tố cáo của công dân: Một năm nhìn lại