Giáo dục - Học Đường
2 năm thực hiện Nghị định 105 của Chính phủ về phát triển giáo dục mầm non: Những tín hiệu tích cực ở Bạc Liêu
Thời gian qua, giáo dục mầm non (GDMN) luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, phần lớn người dân rất đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên chất lượng GDMN tại Bạc Liêu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt việc ban hành Nghị định 105 của Chính phủ càng tạo thêm nền tảng vững chắc để tỉnh nhà triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GDMN, phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và hướng tới phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi.
Các bé Trường mầm non iSchool (TP. Bạc Liêu) tham gia hoạt động ngoại khóa “Ngày hội giao lưu tiếng Anh”.
Từ những kết quả khả quan…
Tính đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh có 84 trường mầm non, mẫu giáo (8 trường tư thục), 19 nhóm, lớp độc lập tư thục. Toàn tỉnh đã huy động được gần 24.200 trẻ đến trường (trong đó có hơn 12.220 trẻ 5 tuổi); có gần 2.280 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Cơ sở vật chất đảm bảo với 730/916 phòng học kiên cố, 84/84 bếp ăn đúng quy cách, các công trình vệ sinh đạt yêu cầu; có 840/861 nhóm, lớp có đủ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu; 153/188 sân chơi ở các trường có thiết bị đồ chơi ngoài trời...
Có thể thấy, ngay khi Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển GDMN được ban hành, Sở GD-KH&CN đã tích cực tham mưu với HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách theo Nghị định; đồng thời ban hành các văn bản phù hợp với địa phương về phát triển GDMN giai đoạn 2018 - 2025. Song song đó, chỉ đạo rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp trường lớp, cơ sở vật chất; đầu tư trường mầm non theo hướng chuẩn hóa, xanh - sạch - đẹp - an toàn; ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình dự án và các nguồn thu hợp pháp khác để xây dựng đủ phòng học, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Theo đó, toàn tỉnh đã ghép 8 trường mẫu giáo có quy mô nhỏ thành 4 trường mầm non; xóa 41 điểm trường lẻ, chuyển đổi, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất để từng bước đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa GDMN, toàn tỉnh đã phát triển 2 trường mầm non ngoài công lập (mầm non iSchool - TP. Bạc Liêu; mầm non Trúc My - huyện Hòa Bình) và 2 nhóm trẻ tư thục là Tuổi Thơ và Mỹ Đức (huyện Hồng Dân). Ngoài ra, còn vận động người dân hiến gần 7.000m2 đất để xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo.
Tính đến tháng 6/2022, đã có hơn 7.770 trẻ của 62 trường mầm non được hỗ trợ gần 3,9 tỷ đồng tiền ăn trưa; có gần 60 giáo viên được hưởng chính sách ghép lớp, dạy tăng cường tiếng Việt với số tiền hơn 130 triệu đồng... theo Nghị định 105. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 2 cán bộ quản lý, 10 giáo viên mầm non được hưởng chính sách thu hút khi công tác ở địa bàn khó khăn với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người, cùng trợ cấp ổn định nơi công tác lần đầu với số tiền 5 triệu đồng/người nên tình trạng bỏ việc được ngăn chặn. Bên cạnh đó, còn có 88 giáo viên hợp đồng trong biên chế, được tạm hưởng mọi chế độ, chính sách như giáo viên biên chế theo quy định của Nghị định.
Không gian học tập khang trang của cô, trò Trường mầm non thị trấn Phước Long (huyện Phước Long). Ảnh: Đ.K.C
…Đến định hướng phát triển trong thời gian tới
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan chỉ sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 105, song Bạc Liêu vẫn là tỉnh còn khó khăn (so với khu vực và cả nước) nên nguồn lực đầu tư cho GDMN từ ngân sách còn nhiều hạn chế, nhất là sau đại dịch COVID-19. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho GDMN chưa nhiều vì thu nhập của người dân chưa cao (nhất là vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc).
Bên cạnh đó, kinh tế của tỉnh chưa phát triển mạnh về công nghiệp, vì vậy nhu cầu mở các trường mầm non cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu có nhiều công nhân… không cao, nên việc mở rộng loại hình trường mầm non ngoài công lập chưa phát triển. Đó là còn chưa kể khó khăn về việc thiếu biên chế giáo viên mầm non; mạng lưới nhân viên y tế, cơ sở vật chất, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường chưa đáp ứng nhu cầu thực tế… nên tạo ra nhiều rào cản trong việc thực hiện các chính sách của Nghị định 105, cũng như phát triển GDMN trên địa bàn.
Để phát huy những kết quả đạt được và chung tay gỡ khó, thiết nghĩ thời gian tới tỉnh nhà cần phát triển chương trình GDMN phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, nhà trường, cũng như khả năng, nhu cầu của trẻ; tập trung quản lý và tiếp tục đổi mới các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN… Song song đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển GDMN, nhất là hệ thống GDMN ngoài công lập. Đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo, nâng chất và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non… để trẻ được nuôi dưỡng, giáo dục trong một môi trường lành mạnh, thân thiện, an toàn.
Kim Trúc
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập
- Từ ngày 1/12/2024, điều chỉnh diện tích, dân số Phường 3 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu)
- Ký kết cho nông dân vay tín chấp trồng lúa đến 100 triệu đồng
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn